Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: Hướng tới giảm rác thải nhựa

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 được tổ chức nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng sản phẩm từ vật liệu tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngày 11/9, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn” sẽ được tổ chức vào ngày 16/9, tại tỉnh Bắc Ninh.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn là sự kiện cấp Quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, phối hợp với các ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng Chín hàng năm.

Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ phát động Quốc gia hưởng ứng chiến dịch, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng sản phẩm từ vật liệu tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, qua đó hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

[Bớt túi nylon, giảm rác thải nhựa: Hành động nhỏ cho tương lai ‘xanh’]

Để Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 đạt kết quả cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức phát động các phong trào cộng đồng như: Ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường tại các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch...

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: Hướng tới giảm rác thải nhựa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Các tỉnh, thành phố có biển và các cơ quan đơn vị tại các địa phương ven biển tăng cường hơn các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển, khu vực ven bờ, trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Cùng với đó, các địa phương có biển tổ chức bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 5 khẩu hiệu tuyên truyền chính, bao gồm: Hãy sử dụng sản phẩm từ vật liệu tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách tái sử dụng và tái chế; trồng thêm một cây xanh là góp phần bảo vệ môi trường; hãy giữ gìn vệ sinh chung - nói không với xả rác bừa bãi; từ chối sử dụng túi nylon khó phân huỷ là hành động thiết thực bảo vệ môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục