Chiến dịch truy bắt tội phạm toàn cầu qua điện thoại thông minh

Theo Europol, 3 năm sau, cuộc điều tra với sự tham gia của 9.000 nhân viên tới từ 17 nước cho thấy nhà chức trách đã theo dõi 27 triệu tin nhắn từ 12.000 thiết bị ở 100 nước và hơn 300 nhóm tội phạm.
Chiến dịch truy bắt tội phạm toàn cầu qua điện thoại thông minh ảnh 1(Nguồn: AFP)

Theo Reuters, theo một tài liệu của tòa án Mỹ, nhà chức trách đã chấp nhận chi khoảng 100.000 USD cộng thêm phụ phí cùng cơ hội giảm án tù để một nhà phát triển điện thoại thông minh hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) năm 2018 và khởi động “Chiến dịch lá chắn Trojan.”

Trong một thông báo, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết 3 năm sau, cuộc điều tra với sự tham gia của 9.000 nhân viên hành pháp tới từ 17 quốc gia đã cho thấy nhà chức trách đã theo dõi 27 triệu tin nhắn từ 12.000 thiết bị ở 100 quốc gia và theo dõi hoạt động của hơn 300 nhóm tội phạm có tổ chức.

Cho đến nay, cảnh sát đã tiến hành hơn 800 vụ bắt giữ và thu giữ hơn 8 tấn cocaine, 22 tấn cần sa, 2 tấn ma túy tổng hợp, 250 khẩu súng, 55 phương tiện hạng sang, cùng hơn 48 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử từ chiến dịch theo dõi nói trên. Europol cho biết sẽ tiếp tục triển khai các vụ bắt giữ và tịch thu tương tự.

Tài liệu nói trên - một bản khai có tuyên thệ của một đặc vụ FBI do Vice News công bố đầu tiên- cho biết một “nguồn tin mật,” đối tượng trước đây từng buôn ma túy, đã tạo ra một chiếc điện thoại được mã hóa cứng, trong đó có một ứng dụng được đặt làm theo yêu cầu tên là ANOM.

Nguồn tin này đã tham gia công tác điều tra sau khi nhà chức trách phá hủy Phantom Secure - mạng lưới điện thoại thông minh được mã hóa, đồng thời bắt giữ giám đốc điều hành (CEO) của loại điện thoại này vào năm 2018.

Cảnh sát cho biết trong vòng ít nhất một thập kỷ, các nhóm tội phạm có tổ chức đã sử dụng những mạng lưới điện thoại như Phantom Secure để tổ chức các cuộc giao dịch ma túy, tấn công các đối thủ và rửa tiền mà không bị phát hiện. Trong số các tính năng của loại điện thoại này, có một tính năng cho phép xóa nội dung bên trong từ xa nếu chúng bị thu giữ.

Tuy nhiên, khi một mô hình ngừng kinh doanh, những mô hình mới sẽ lập tức nhảy vào thị trường “béo bở” này.

[Tội phạm mạng liên quan tới COVID-19 gia tăng ở châu Âu]

FBI quyết định sẽ tự khởi chạy, cài mã khóa tổng vào các thiết bị đính kèm với mỗi tin nhắn và cho phép các nhân viên hành pháp giải mã và lưu trữ các đoạn tin nhắn khi chúng được truyền đi. Một quan chức cho biết tại Mỹ, chi phí đăng ký thuê bao dịch vụ này là 1.700 USD/6 tháng.

“Từ những nguồn lực ít ỏi nhất”

Năm 2018, lực lượng điều tra và phân tích của cảnh sát Australia đã gặp FBI. Hôm 8/6, ủy viên Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) Reece Kershaw cho biết: “Như bạn đã biết, một số ý tưởng tốt nhất lại đến từ những nguồn lực ít ỏi nhất.”

Với sự ủng hộ của nhà chức trách, nguồn tin mật nói trên đã khai thác các nhà phân phối tin cậy, vốn đang nhắm đến thị trường Australia. Hai bên đã quyết định vận hành thử nghiệm thiết bị này vào tháng 10/2018. Nhà phát triển chỉ giao cho các nhà phân phối 50 thiết bị để bán.

Báo cáo của đặc vụ FBI cho biết các nhà phân phối đã đồng ý sau khi nhận thấy cơ hội kiếm lời từ thương vụ này.

Theo tài liệu trên, khi AFP theo dõi các tin nhắn và hình ảnh được chia sẻ trên các thiết bị, “100% người dùng ANOM trong giai đoạn thử nghiệm đã sử dụng ANOM để tham gia các hoạt động phi pháp.”

Nhờ hình thức phát triển tự nhiên và qua truyền miệng, kể từ đó, ANOM đã trở thành ứng dụng điện thoại phổ biến với các tội phạm nước ngoài.

Kershaw nhấn mạnh các nhân viên hành pháp đang sở hữu “một công cụ lợi hại” chưa từng có. Bên cạnh hàng trăm vụ bắt giữ và hàng tấn ma túy bị thu giữ, giới chức Australia cho biết đã ngăn chặn thành công 21 âm mưu giết người, trong đó có một vụ giết người hàng loạt, nhờ ứng dụng ANOM.

Chiến dịch truy bắt tội phạm toàn cầu qua điện thoại thông minh ảnh 2Cảnh sát Australia bắt tội phạm có tổ chức. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, do “vấn đề công nghệ,” FBI không thể trực tiếp giám sát các điện thoại ở Australia. Mặc dù vậy, vào cuối năm 2019, theo yêu cầu của một quốc gia không xác định - cũng là nơi đặt máy chủ của các điện thoại nói trên, FBI đã được phép truy cập thường xuyên và nhanh chóng hơn đối với nội dung cần theo dõi.

FBI và các cơ quan hành pháp của nhiều quốc gia khác đã phát hiện ra rằng các tội phạm có tổ chức ở Italy, các “Hội Tam Hoàng” (các băng đảng xã hội đen có nguồn gốc từ Trung Quốc) ở châu Á, các nhóm tội phạm xe máy và các tổ chức buôn bán ma túy xuyên quốc gia đều sử dụng loại điện thoại này.

Tài liệu nói trên và cả Kershaw cũng cho biết các tội phạm đã sử dụng điện thoại một cách công khai, thậm chí không sử dụng các từ mã hóa, cũng như thường xuyên chia sẻ hình ảnh về các lô hàng ma túy lớn và chi tiết về cách thức vận chuyển các lô hàng này.

Trong số những hình ảnh được chia sẻ trong tài liệu, có những lô hàng ma túy bất hợp pháp và một chiếc “túi ngoại giao,” được xác định là của Pháp và có thể được dùng để vận chuyển cocaine từ Colombia.

Bên cạnh đó, tài liệu cũng tiết lộ có cả bằng chứng tham nhũng của các quan chức chính phủ và cảnh sát, và rằng các nhóm tội phạm đang “bị phát giác nhờ các hoạt động điều tra trước đó… Việc xem xét các tin nhắn qua ứng dụng ANOM giúp phát hiện nhiều vụ tham nhũng cấp cao ở một số quốc gia.”

Theo tài liệu của FBI, các đợt truy quét nhắm vào nhóm đối tượng sử dụng một loại điện thoại được mã hóa khác, Sky ECC, hồi tháng Ba vừa qua cho thấy mức độ phổ biến của ANOM tăng cao, với lượng người dùng chủ động tăng từ 3.000 lên 9.000 chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, với việc yêu cầu cho phép FBI truy cập thông tin đã hết hạn hôm 7/6 vừa qua, chiến dịch tình báo tội phạm qua điện thoại đã kết thúc.

Trong ngày 8/6, chiến dịch này đã được công bố tại nhiều cuộc họp báo trên khắp thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục