Ngày 1/12, các nhà cổ sinh vật học Chile công bố hóa thạch tìm thấy 3 năm trước đây thuộc một loài khủng long bọc giáp mới có đuôi cấu tạo rất đặc biệt.
Năm 2018, trong quá trình khai quật tại khu vực Cerro Guido, Patagonia, một địa điểm khảo cổ nổi tiếng với nhiều hóa thạch, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một bộ xương có nhiều đặc điểm của khủng long stegosaurus và đặt tên là stegouros elengassen.
Tuy nhiên, sau khi nhóm nghiên cứu kiểm tra các mảnh xương sọ và phân tích ADN, họ kết luận đó là một chi của loài khủng long bọc giáp ankylosaur vốn sinh sống ở phía Bắc lục địa.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện khủng long bọc giáp ở Nam bán cầu.
Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy 80% bộ xương của con khủng long và ước tính nó sống trong giai đoạn từ 71 đến 74,9 triệu năm trước đây.
Đây là kích thước bộ xương của một con khủng long trưởng thành, dài khoảng 2 mét, nặng 150kg và là một loài ăn cỏ.
Nhà cổ sinh vật học Alexander Vargas tại Đại học Chile cho biết đuôi của con khủng long này có cấu tạo xương rất đặc biệt, khác hoàn toàn với tất cả những gì mà các nhà khoa học biết về khủng long từ trước đến nay.
[Hố thiên thạch bí ẩn chứa manh mối cho sự tuyệt chủng của khủng long]
Bộ xương đuôi này gồm 7 cặp xương, tạo thành một loại vũ khí. Các mảng xương nằm trong lớp trung bì của da, xếp thẳng hàng ở hai bên đuôi, khiến nó giống như một cây dương xỉ lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, chiếc đuôi có thể là vũ khí phòng vệ trước các loài khủng long săn mồi to lớn.
Khu vực Cerro Guido dài 15km, nằm trong thung lũng Las Chinas cách thủ đô Santiago của Chile 3.000km về phía Nam. Các nhà khoa học đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch khủng long tại đây.
Những phát hiện này cho phép các nhà khoa học phỏng đoán rằng châu Mỹ và Nam Cực ngày nay đã từng ở gần nhau hàng triệu năm trước đây.
Nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Nature./.