Chile sở hữu nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất trên thế giới

Chile đã khởi công dự án xây dựng và lắp đặt kính viễn vọng LSST, tiếp tục củng cố vị trí là quốc gia sở hữu nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới.
Chile sở hữu nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất trên thế giới ảnh 1Dự án thiên văn học ALMA lớn nhất thế giới của Chile. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/4, Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã dự lễ khởi công dự án xây dựng và lắp đặt kính viễn vọng LSST tại Coquimbo, phía Bắc quốc gia Nam Mỹ, tiếp tục củng cố vị trí là quốc gia sở hữu nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Bachelet nhấn mạnh đây là dự án được mong đợi từ lâu, khi hoàn thành công trình sẽ cho phép các nhà khoa học trong và ngoài nước “tiến một bước khổng lồ” trong nghiên cứu khoảng không vũ trụ.

Kính viễn vọng LSST có đường kính rộng 8,4m với một camera 3,2 gigapixel.

Theo nữ tổng thống Chile, ngay sau khi đi vào vận hành, LSST sẽ có thể thực hiện đầy đủ các chức năng tương đương với mọi kính viễn vọng hiện đại hiện nay.

Nhân dịp này, Tổng thống Bachelet cũng đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu thiên văn (AURA) trong các công trình khoa học vũ trụ.

Năm 1961, AURA lắp đặt trạm quan sát vũ trụ đầu tiên ở Chile, mở đường cho việc ra đời những kính viễn vọng khác ở quốc gia Nam Mỹ sau này.

Là nơi bầu trời luôn trong vắt suốt hơn 300 đêm trong năm, độ ẩm cực thấp và hầu như không bao giờ bị bão, sa mạc Atacama của Chile được Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại Nam Bán cầu (ESO) bầu chọn là nơi lý tưởng nhất trên thế giới để quan sát thiên văn.

Chile cũng là quốc gia có nhiều trạm quan sát vũ trụ nhất thế giới với năm trạm đang được các tổ chức của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Brazil vận hành.

Theo Tổng thống Bachelet, đến năm 2020, Chile sẽ sở hữu hơn 70% hệ thống cơ sở hạ tầng thiên văn trên thế giới.

Hiện tổng giá trị các nguồn đầu tư xây dựng kính viễn vọng ở Chile lên tới 6 tỷ USD.

Tháng Sáu năm ngoái, Chile đã khởi công dự án xây dựng và lắp đặt kính viễn vọng lớn nhất thế giới có tên gọi E-ELT trên đỉnh núi Armazones thuộc sa mạc Atacama, miền Bắc Chile.

Theo dự kiến, quá trình xây dựng và lắp đặt kính viễn vọng E-ELT sẽ kết thúc vào năm 2024 và chính thức đi vào hoạt động hai năm sau đó.

Với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, E-ELT được ESO chế tạo nhằm giúp các nhà thiên văn học quan sát rõ hơn sự phát triển của vũ trụ, cũng như tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như trên Trái Đất.

ESO là tổ chức nghiên cứu thiên văn học, được thành lập năm 1962 với sự tham gia của 15 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Anh, Hà Lan và Italy.

Tổ chức này chịu trách nhiệm vận hành một loạt kính viễn vọng của thế giới đặt tại Chile, trong đó có chiếc kính viễn vọng lớn nhất thế giới tính đến hiện tại là ALMA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục