Chính phủ báo cáo Quốc hội tiến độ cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017.
Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký, gửi Quốc hội báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017.

Dự án có chiều dài 654km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đến tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của toàn bộ 11 dự án thành phần, với tổng chiều dài toàn tuyến 654,3km, tổng mức mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 50.811 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước là 14.279 tỷ đồng và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP là 36.532 tỷ đồng) và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Về thiết kế kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, trong 3 dự án đầu tư công, cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn đã hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật (1 gói thầu), dự án Cam Lộ-La Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 90/98,3km (10/11 gói thầu) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã thẩm định, phê duyệt gói thầu đường dẫn hai đầu cầu, riêng phần cầu chính có kết cấu dây văng bắt đầu thẩm định từ tháng 10/2019.

[Cao tốc Bắc-Nam: Thành bại trông chờ vào sự vào cuộc của ngân hàng]

Còn lại, 8 dự án PPP, hiện nay đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Việc thẩm định thiết kế đã được thực hiện từ tháng 8/2019, phê duyệt toàn bộ các gói thầu thiết kế kỹ thuật khoảng tháng 10/2019 và phê duyệt dự toán khoảng tháng 11/2019.

Đề cập đến việc giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao cơ bản toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần cho các địa phương, nguồn vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng cũng đã chuyển về kho bạc các địa phương. Hiện nay, các địa phương đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, lựa chọn xong đơn vị tư vấn, đang triển khai đo đạc, kiểm đếm, lập phương án hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng.

“Đến nay, dự án Cao Bồ-Mai Sơn đã bàn giao mặt bằng đạt 7,5km/15,2km và dự án Cam Lộ-La Sơn đã bàn giao 12km/98,3km, đủ điều kiện khởi công từ cuối tháng 8/2019. Đối với các dự án còn lại, dự kiến quý I/2020 sẽ hoàn thành khoảng 70% mặt bằng các dự án,” báo cáo nêu rõ.

Liên quan đến việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 3 dự án đầu tư công, dự án Cam Lộ-La Sơn đã khởi công xây dựng 2 gói thầu từ ngày 16/9/2019 và 9 gói thầu còn lại đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý 4/2019.

Dự án Cao Bồ-Mai Sơn đang tổ chức đấu thầu nhà thầu gói thầu thầu đầu tiên để có thể khởi công khoảng tháng 10/2019. Còn lại, dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu, dự kiến tổ chức đấu thầu từ tháng 10/2019 và khởi công xây dựng phần đường dẫn và cầu dẫn trong quý 4/2019.

Đối với 8 dự án PPP,  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, theo khoản 2, Điều 15 Luật Đấu thầu và Điều 9 Nghị định 30/2015, toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư; trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào đấu thầu. Giai đoạn đấu thầu, nhà đầu tư trúng thầu là nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và tài chính tốt nhất.

Ngày 15/5/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, đến ngày 15/7/2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển gồm: 19 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc; 11 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc-Việt Nam; 15 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam; 3 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam-Pháp; 10 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc-Việt Nam và 1 hồ sơ của nhà đầu tư Philippines-Việt Nam.

Theo kết quả đánh giá của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của các cơ quan thẩm định, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Báo cáo cũng cho biết, do hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng,... nên dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế.

Nội dung này đã được phản ánh qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của bên mời thầu, nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển cho thấy tính cạnh tranh không cao.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan, ngày 14/9/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án với mục tiêu phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia, nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Việc hủy sơ tuyển đã được quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành "bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không cần nêu bất kỳ lý do nào".

“Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 10/10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2/2020,” báo cáo nêu rõ và thông tin, so với tiến độ Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2018, đến nay tiến độ của 3 dự án đầu tư công cơ bản bảo đảm, riêng các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải kéo dài thêm khoảng 3 tháng.

Về kế hoạch triển khai tiếp theo, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đối với 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), dự kiến khởi công các gói thầu đầu tiên của các dự án vào quý 4/2019 và các gói còn lại vào đầu năm 2020.

“Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung tổ chức triển khai thi công các gói thầu đã khởi công. Đồng thời hoàn thiện các thủ tục để thi công các gói thầu còn lại trong quý 1/2020,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Đối với 8 dự án triển khai theo hình thức PPP, trong tháng 10/2019, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư trong nước, dự kiến mở thầu tháng 11/2019, hoàn thành sơ tuyển trong tháng 2/2020.

Tiếp đến, tháng 4/2020, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu và hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục