Chính phủ Ireland lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với 'Brexit cứng'

Chính phủ Ireland đã công bố dự luật được soạn thảo nhằm giảm bớt thiệt hại trong trường hợp Anh rời EU, còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận.
Chính phủ Ireland lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với 'Brexit cứng' ảnh 1Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney. (Nguồn: PA)

Ngày 22/2, Chính phủ Ireland đã công bố dự luật được soạn thảo nhằm giảm bớt thiệt hại trong trường hợp Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận.

Trả lời phỏng vấn, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nêu rõ Ireland đang đối mặt với tình huống "khẩn cấp," do đó cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ nhất có thể.

Theo ông, một Brexit không có thỏa thuận - "Brexit cứng" - là thất bại cho cả Anh, EU và Ireland.

Ông cho biết dự luật sẽ cố gắng "bù đắp lại những tác động tồi tệ nhất của một Brexit không có trật tự" bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp và đảm bảo cho công dân có thể tiếp cận các dịch vụ. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng sẽ không bao giờ phải viện đến dự luật này.

Về phần mình, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nhấn mạnh mặc dù đã làm mọi điều để tránh xảy ra viễn cảnh không thỏa thuận, song Ireland cần sẵn sàng nếu như nó xảy ra.

[Vấn đề Brexit: EU tuyên bố cần sớm ra quyết định cuối cùng]

Dự luật trên bao gồm 15 mục với mục đích hạn chế sự gián đoạn đối với việc cung cấp chăm sóc sức khỏe, điện, du lịch, nhập cư, hỗ trợ tài chính sinh viên giữa Anh và Ireland. Nó cũng bao gồm những sự thay đổi đáng kể về thuế, trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

Chính phủ Ireland có kế hoạch thúc đẩy để dự luật nói trên được Quốc hội nhanh chóng thông qua trước thời hạn Anh rời EU vào ngày 29/3 tới.

Là một đối tác thương mại lớn và là quốc gia EU duy nhất có chung biên giới trên bộ với Anh, Ireland sẽ phải đối mặt với một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế nếu Brexit không thỏa thuận dẫn đến việc áp đặt thuế quan, kiểm tra hải quan và các rào cản khác giữa Anh và EU.

Hiện Hạ viện Anh vẫn chưa thể thống nhất được một thỏa thuận Brexit dù chỉ còn 36 ngày trước hạn chót 29/3 khi Anh chính thức rời EU theo luật định.

Điều này càng làm dấy lên quan ngại về một kịch bản Brexit không thỏa thuận gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới khi mọi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.

Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang tích cực làm việc với EU để có được những "đảm bảo cần thiết" giúp thỏa thuận Brexit đạt được hồi tháng 11/2018 nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục