Chính phủ Italy đã thông qua các biện pháp nhằm phạt các tổ chức từ thiện giải cứu người di cư trên biển và tạm giữ tàu của họ nếu vi phạm các quy định mới nghiêm ngặt hơn liên quan đến hoạt động giải cứu người di cư.
Theo sắc lệnh được Nội các Italy thông qua ngày 28/12 mà hãng tin Reuters có được, các tàu này sau khi thực hiện hoạt động giải cứu thì cần tìm kiếm một cảng để ngay lập tức đưa người di cư đến đó thay vì vẫn lênh đênh trên biển để tìm kiếm các tàu, thuyền di cư gặp nạn khác.
Hiện nay, hoạt động giải cứu của các tàu, thuyền thuộc các tổ chức từ thiện hay các tổ chức phi chính phủ ở khu vực Trung Địa Trung Hải thường kéo dài vài ngày, trong đó các tàu, thuyền này thường thực hiện vài hoạt động cứu hộ và đưa hàng trăm người lên tàu.
Sắc lệnh trên cũng nêu rõ các tàu, thuyền này cần thông tin cho những người được giải cứu rằng họ có thể yêu cầu sự bảo vệ quốc tế ở bất kỳ đâu trong Liên minh châu Âu (EU).
[Italy cho phép tàu Ocean Viking chở 113 người di cư cập cảng]
Các thuyền trưởng vi phạm những quy định này có thể bị phạt đến 50.000 euro và trong trường hợp vi phạm nhiều lần có thể bị tạm giữ tàu, thuyền.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã nhằm mục tiêu vào hoạt động của các tổ chức từ thiện trên biển, cáo buộc họ tạo điều kiện cho những kẻ buôn người trong bối cảnh người di cư tăng đột biến. Hiện các tổ chức từ thiện này đều bác bỏ mọi cáo buộc.
Theo nhật báo La Repubblica ngày 29/12, một nhà hoạt động thuộc Tổ chức Bác sỹ không biên giới cho rằng sắc lệnh trên khiến việc thực hiện nhiều hoạt động giải cứu trở nên khó khăn hơn có thể khiến hàng nghìn người có nguy cơ bị thiệt mạng và có thể vi phạm các công ước quốc tế.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm đến nay, khoảng 102.000 người di cư đã đến nước này, tăng mạnh so với khoảng 66.500 người trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ khoảng 10% số người di cư đến Italy năm nay là do các tàu, thuyền của các tổ chức từ thiện hoặc các tổ chức phi chính phủ đưa vào bờ.
Vấn đề người di cư được cho là nguồn gốc gây căng thẳng tại EU trong những năm gần đây, liên quan đến vấn đề tiếp nhận người di cư trong liên minh này.
Gần đây nhất là tranh cãi ngoại giao giữa Italy và Pháp hồi tháng 11 vừa qua sau khi Rome từ chối cho 1 tàu chở khoảng 200 người di cư cập cảng và tàu này cuối cùng đã đến Pháp./.