Chính phủ khẳng định sẽ có công cụ chính sách để ổn định tỷ giá

Chính phủ sẽ chỉ đạo theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Chính phủ khẳng định sẽ có công cụ chính sách để ổn định tỷ giá ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Mới qua 5 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá hết biên độ 2%. Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Thông tin thêm tại buổi họp báo do Văn Phòng Chính Phủ tổ chức chiều 27/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá không quá 2%.

Thực tế, qua 5 tháng qua, căn cứ vào thực tiễn, Ngân hàng nhà nước đã hai lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng: tăng 1% từ ngày 7/1/2015 (từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD) và tăng 1% từ ngày 7/5/2015 (từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD).

"Sau hai lần điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định theo mục tiêu điều hành, đồng thời không để biến động lớn từ nay đến cuối năm, nhất để vấn đề lãi suất và tỷ giá." Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ 2% như đã đề ra từ đầu năm.

Theo Phó Thống đốc, việc điều chỉnh tăng tỷ giá vượt biên độ định hướng đề ra sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ, ảnh hưởng tới việc kiểm soát nợ công khi đang ở sát ngưỡng 65% GDP. Đối với các khoản nợ doanh nghiệp cũng sẽ bị tăng nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Về lạm phát, mặc dù mức lạm phát hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên không thể chủ quan tới lạm phát khi giá dầu tăng trở lại (giá dầu tăng trở lại ở mức trên 60 USD/thùng, cao hơn mức 47 USD/thùng vào tháng 1/2015), chưa kể lạm phát còn chịu tác động trễ của chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, cũng như xu hướng đang tăng trở lại của tín dụng đối với nền kinh tế.

Đặc biệt, tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng liên tục trong những năm qua (ngay cả thời gian đồng USD giảm giá, thì tỷ giá của VND/USD vẫn luôn được điều chỉnh tăng), mức điều chỉnh cao nhất là năm 2011 (tăng 9,3%), sau đó mỗi năm tăng từ 1-2%/năm, bởi vậy VND không còn bị đánh giá quá cao như thời gian trước đây. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong thời gian qua cũng cho thấy tỷ giá VND/USD hiện trong vùng phù hợp (aligment), chưa có dấu hiệu bị đánh giá sai (mis-aligment).

Phó Thống đốc cho rằng, từ đầu năm đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và cá nhân; với cách thức điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng nâng cao lợi ích nắm giữ của VND sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Việc điều chỉnh 2 lần trong thời gian qua nhằm chủ động dẫn dắt thị trường giúp các doanh nghiệp yên tâm khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình đến cuối năm 2015," Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục