Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 9/3, Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc vào tháng 3/2011 và các sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn thời gian hoạt động của Cơ quan Tái thiết thêm 10 năm tới năm 2031, đồng thời khẳng định giai đoạn 5 năm kể từ tháng 4/2021 là giai đoạn 2 của quá trình tái thiết và phục hồi.
Chi phí dành cho công tác tái thiết và phục hồi các khu vực thảm họa ước tính lên tới 1.600 tỷ yen (khoảng 15 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2, Chính phủ sẽ cung cấp trợ giúp ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép đó như chữa trị tâm lý cho người dân và thiết lập các cộng đồng dân cư
Đối với các khu vực bị ảnh hưởng bởi các sự cố hạt nhân, Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ để người dân bản địa có thể trở về nhà và khuyến khích những cư dân mới tới định cư ở những khu vực đã từng nằm trong phạm vi sơ tán sau các sự cố đó.
[Dịch COVID-19: Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo]
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tìm cách thiết lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục quốc tế ở các khu vực này.
Đối với những khu vực bị cấm tiếp cận, Chính phủ dự kiến sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu các chính sách, đồng thời lắng nghe cẩn trọng các vấn đề và nhu cầu của người dân địa phương.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý nước thải có chứa phóng xạ tritium và các chất phóng xạ khác đang được lưu giữ tại các bể chứa ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, đồng thời khẳng định sẽ quyết định về phương án xử lý vấn đề này tại thời điểm thích hợp.
Phát biểu trước cuộc họp Nội các, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết nếu không tái thiết Fukushima, vùng Đông Bắc sẽ không bao giờ phục hồi, và nếu không tái thiết vùng Đông Bắc, Nhật Bản sẽ không bao giờ hồi sinh. Ông nhấn mạnh các nỗ lực tái thiết sau thảm họa kép đó sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ./.