Chính phủ Sudan cảnh báo đóng cửa trở lại biên giới với Nam Sudan

Chính phủ Sudan cảnh báo sẽ đóng cửa trở lại biên giới với Nam Sudan, nếu Juba tiếp tục hậu thuẫn các nhóm phiến quân chống lại Khartoum.
Chính phủ Sudan cảnh báo đóng cửa trở lại biên giới với Nam Sudan ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Sudan ngày 17/3 đã cảnh báo sẽ đóng cửa trở lại biên giới với Nam Sudan, nếu Juba tiếp tục hậu thuẫn các nhóm phiến quân chống lại Khartoum.

Trong một tuyên bố, trợ lý của Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir - ông Ibrahim Mahmoud nêu rõ: "Nếu Chính phủ Nam Sudan không chấm dứt việc hậu thuẫn phiến quân, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh cho đất nước, thậm chí có thể sẽ đóng cửa biên giới với Nam Sudan một lần nữa."

Cảnh báo trên được đưa ra một ngày trước thềm các cuộc hòa đàm do Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian tại Addis Ababa (Ethiopia), giữa Chính phủ Sudan, đảng đối lập lớn nhất nước này và các nhóm nổi dậy vũ trang ở khu vực Tây Darfur, vùng Nile Xanh và Nam Kordofan.

Cũng trong ngày 17/3, Khartoum đã thông báo điều chỉnh quy chế đặc biệt đang được áp dụng đối với gần 200.000 người Nam Sudan lưu vong tại Sudan kể từ tháng 12/2013, theo đó những người này - vốn đang hưởng quyền lợi như công dân nước sở tại - sẽ được coi là người nước ngoài khi sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, đồng thời sẽ phải có hộ chiếu và thị thực nhập cảnh Sudan.

Kể từ năm 2011, khi miền Nam Sudan ly khai và trở thành một quốc gia độc lập theo một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 22 năm, quan hệ giữa Juba và Khartoum luôn căng thẳng do những tranh chấp tại nhiều khu vực dọc biên giới.

Sudan đóng cửa biên giới với Nam Sudan hồi tháng 6/2011, khi phiến quân thuộc Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan miền Bắc (SPLM-N) tiến hành nhiều cuộc tấn công đẫm máu ở bang Nam Kordofan. Khartoum luôn cho rằng Nam Sudan hậu thuẫn phiến quân để chống phá nước này, song Juba kiên quyết bác bỏ cáo buộc.

Tháng 9/2012, hai nước đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi liên quan đến an ninh, tình trạng công dân, biên giới, kinh tế, và các vấn đề liên quan đến dầu mỏ và thương mại. Tuy nhiên, các thỏa thuận được ký kết không bao gồm vấn đề phân định ranh giới, vấn đề là rào cản lớn nhất trong việc giải quyết các bất đồng giữa Sudan và Nam Sudan.

Mối quan hệ giữa hai nước đã có dấu hiệu cải thiện trong thời gian gần đây. Tháng 1, Tổng thống Omar Hassan al-Bashir đã ra lệnh mở cửa biên giới với quốc gia non trẻ nhất thế giới này, lần đầu tiên kể từ khi Juba tuyên bố độc lập, qua đó giúp các bên cải thiện các mối quan hệ kinh tế.

Ngày 9/2 vừa qua, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã bất ngờ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Sudan để đáp lại việc Tổng thống Bashir nhất trí giảm phí trung chuyển dầu mỏ của Nam Sudan tới Biển Đỏ. Sau khi trở thành một nước độc lập, Nam Sudan nắm giữ trữ lượng dầu mỏ lên tới 5 tỷ thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục