Nhà chức trách Đức đang rất quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa người Kurd và người Hồi giáo Salafi ở nước này, trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra ác liệt ở thành phố Kobani có nhiều người Kurd sinh sống ở Syria.
Đêm 8/10, gần 1.300 nhân viên đã được triển khai để đảm bảo an ninh ở thành phố Hamburg của Đức. Đây là đêm thứ ba liên tiếp xảy ra biểu tình bạo lực giữa những người Kurd phản đối hành động bạo lực của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và người Hồi giáo Salafi ở thành phố này.
Sau khi cuộc biểu tình chính thức của trên 1.000 người Kurd kết thúc trong hòa bình, một số nhóm đã tách đoàn biểu tình và tiếp tục tiến tới khu vực St. Georg. Tại đây, biểu tình đã biến thành bạo lực khi người biểu tình quá khích ném chai lọ và đá về phía cảnh sát và người Hồi giáo, làm một số người bị thương. Lực lượng an ninh đã bắt giữ nhiều người, thu giữ một số dùi cui, dao kiếm, gậy gộc cùng một khẩu súng.
Đến giữa đêm 8/10, hàng trăm người Kurd tiếp tục tụ tập ở Steindamm, gần Nhà ga chính ở Hamburg. Đa số người biểu tình ở Đức kêu gọi bảo vệ thành phố Kobani có đông người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống IS cũng như đòi trả tự do cho Abdullah Öcalan, thủ lĩnh đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ ở Hamburg, biểu tình cũng diễn ra ở thành phố Dortmund (bang Nordrhein-Westfalen) khi những người Kurd phong tỏa đường tàu ở Nhà ga chính khiến giao thông đường sắt bị đình trệ...
Trước đó, đêm 7/10, biểu tình bạo lực đã xảy ra tại thành phố Hamburg giữa những người Kurd và người Hồi giáo Salafi làm ít nhất 20 người bị thương. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng và dùi cui để để tách hai đoàn biểu tình của người Kurd và người Hồi giáo Salafi, trong đó nhiều người mang theo dao, gậy gộc và vũ khí tự chế.
Theo báo chí Đức, các cuộc biểu tình bạo động liên quan người Kurd và người Hồi giáo ở Đức đã cho thấy tác động lan tỏa từ các cuộc xung đột phức tạp ở Trung Đông.
Hiện có khoảng 4 triệu người Hồi giáo, 1 triệu người Kurd và 60.000 người Yazidis ở Đức. Bộ Nội vụ liên bang Đức mới đây cho biết hiện có khoảng 6.000 người Đức có quan hệ với người Hồi giáo Salafi cấp tiến.
Theo báo Tấm gương, người Hồi giáo ở Đức từ lâu đã được theo dõi chặt chẽ và báo này đã lập một ngân hàng dữ liệu được thu thập từ hơn 10 năm qua về trên 380 đối tượng người Hồi giáo từng gây bạo lực hoặc bị xếp vào mức nguy hiểm./.