Chính sách "Abenomics" cùng chiến lược "3 mũi tên"

Sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát, Nhật Bản đang cần đến một liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế. Chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe có lẽ là liều thuốc duy nhất mà "xứ sở hoa Anh đào" đang kỳ vọng cho đến thời điểm này.

Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

Sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát, Nhật Bản đang cần đến một liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế. Chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe có lẽ là liều thuốc duy nhất mà "xứ sở hoa anh đào" đang kỳ vọng cho đến thời điểm này.

Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

Theo một bình luận của mạng “Sankei Biz,” thành công đầu tiên của "Abenomics" tính đến thời điểm này là chiến lược trên đã tạo cho người dân “cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản.” Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành cho thấy có tới 65% số người được hỏi hy vọng chính sách “Abenomics” sẽ mang lại hiệu quả.

Niềm tin ấy được "thổi" vào thị trường chứng khoán Nhật Bản với những pha tăng điểm kỷ lục tới 35% kể từ đầu năm, trái ngược hẳn với bức tranh màu xám của chứng khoán khu vực và thế giới. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng từ mức 10.688,11 điểm hồi đầu năm lên ngưỡng 11.000 điểm, 12.000 điểm, rồi 15.000 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 20/5, Nikkei 225 leo lên 15.360,81 điểm - mức cao nhất trong hơn nửa thập kỷ qua.

Hai “mũi tên” đầu tiên mang tên nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công đã góp phần hạ giá đồng yên trên thị trường hối đoái. Lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, đồng USD vượt đỉnh 100 yên trong phiên giao dịch ngày 9/5. Sau đó, đồng USD tiếp tục vọt lên 102 yên, rồi vượt mốc 103 yên, tăng khoảng 30% kể từ giữa tháng 11/2012. Lĩnh vực xuất khẩu cũng chứng kiến những thay đổi khả quan nhờ tỷ giá đồng yên cạnh tranh. Các hãng sản xuất ôtô và hàng điện tử là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất do hàng xuất khẩu có giá rẻ hơn tại các thị trường nước ngoài, đẩy lợi nhuận ở nước ngoài tăng cao.

Rõ ràng, các chính sách của Thủ tướng Abê đã có những tác động nhất định tới hiện trạng của nền kinh tế Nhật Bản bất chấp việc thị trường chứng khoán có dấu hiệu tuột dốc trong vài ngày qua sau những diễn biến bất lợi về tình hình việc làm ở Mỹ trong tháng 5/2013.

Trong diễn văn công bố chiến lược kinh tế ngày 5/6 tại Hội nghị về cạnh tranh công nghiệp diễn ra ở quận Minatô (Minato) ở Tôkyô, Thủ tướng Abê nhấn mạnh: “Xương sống của chính sách kinh tế chính là chiến lược tăng trưởng, là một trong ba mũi tên. Chiến lược này là nhằm khuyến khích cải cách công nghệ trong mọi lĩnh vực và khuyến khích các hoạt động sáng tạo rộng khắp ở khu vực tư nhân."

Theo chiến lược này, Tokyo cam kết thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp và hoạch định chương trình phát triển kinh tế cho 5 năm tới, coi đây là “giai đoạn cải cách cơ cấu kinh tế khẩn cấp.” Chính quyền đề ra các mục tiêu cụ thể như tăng tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp thêm 10% trong ba năm tới lên mức khoảng 70.000 tỷ yên (khoảng 700 tỷ USD) và tăng tổng thu nhập bình quân đầu người thêm hơn 1,5 triệu yên, so với mức của năm 2012 là 3,84 triệu yên, trong vòng 10 năm tới.

Tokyo sẽ tiếp thêm sinh lực cho hoạt động của các doanh nghiệp như giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời thiết lập các đặc khu kinh tế. Chiến lược tăng trưởng cũng chỉ ra những mục tiêu rõ ràng khác đối với ngành điện lực và lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

“Mũi tên thứ ba” còn bao hàm cả các chính sách mang “màu sắc Abe.” Theo Thủ tướng Abe, để khai phá những thị trường mới, chính phủ nước này cam kết sẽ thực hiện các giải pháp tăng cường nguồn nhân lực có khả năng hoạt động hiệu quả ở nước ngoài và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho phụ nữ. Tokyo cam kết tăng kim ngạch thương mại với các nước ký kết hiệp định mậu dịch tự do lên 70% từ nay đến năm 2018, tăng 19% so với hiện nay, và thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm văn hoá đại chúng dưới chủ đề “Cool Japan” như hoạt hình, truyện tranh, âm nhạc, ẩm thực... Y học tái sinh với trọng tâm là ứng dụng công trình khoa học về tế bào gốc đa năng (iPS) cũng được coi là một nhân tố giúp phục hồi kinh tế.

Giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế dường như chưa hẳn đã hài lòng với chiến lược tăng trưởng của ông Abe vì cho rằng nó vẫn chưa đủ mạnh để có thể tạo ra bước đột phá. Tuy nhiên, khi bức tranh tổng thể của "Abenomics" hé mở cũng là lúc “hai mũi tên” đầu tiên đã bắt đầu phát huy tác dụng. Rõ ràng, tâm trạng hoài nghi dẫu có cũng không thể lấn át những kỳ vọng của đông đảo người dân về viễn cảnh tươi sáng của nền kinh tế Nhật Bản. Hy vọng những “mũi tên” của Thủ tướng Abê sẽ trúng hồng tâm./.

Hữu Thắng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục