Theo tờ Thời báo Nhật Bản, các chính sách năng lượng của Nhật Bản đang đứng trước bước ngoặt lớn. Do tương lai không thể đoán định của ngành kinh doanh năng lượng, các công ty điện lực vẫn chưa có bất cứ cải tổ quan trọng nào.
Bất chấp thực tế rằng những thay đổi không thể đảo ngược, không thể tránh khỏi và rất đa dạng trong xã hội đang diễn ra cùng lúc, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy những điều chỉnh bất ngờ.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 đã tạo ra những thay đổi trong chính sách năng lượng của Nhật Bản.
Trước năm 2011, để đối phó với tình trạng Trái đất ấm lên, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng cung điện năng lên 53% vào năm 2030.
Tuy nhiên, sau các sự cố liên tiếp tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi chính sách theo hướng giảm tối đa sự phụ thuộc vào điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đã thực hiện cải tổ nhằm điều chỉnh hệ thống năng lượng cũ, trong đó các công ty điện lực khu vực có quy mô lớn thường kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc phát điện cho đến khâu phân phối và bán lẻ.
Kết quả là về cơ bản, sự tham gia và rút lui khỏi ngành sản xuất và kinh doanh điện đã được tự do hóa, và hệ thống truyền tải và phân phối điện năng đã được tách ra khỏi các công ty độc quyền khu vực.
Hệ thống cũ, vốn giúp duy trì nguồn cung điện ổn định, giờ đang trải qua một sự chuyển dịch theo hướng đặt ngành công nghiệp này “vào tay” nền kinh tế thị trường (hay nói cách khác để cơ chế thị trường quyết định sự phát triển của ngành điện).
Điều này có thể giúp khởi đầu một cuộc cách mạng trong tương lai, nhưng cũng có thể gây ra tình trạng hỗn loạn, trong đó không ai chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hệ thống.
Luật cơ bản về chính sách năng lượng yêu cầu chính phủ cứ ba năm một lần phải xây dựng kế hoạch năng lượng cơ bản.
Đây sẽ là văn bản quan trọng để Chính phủ Nhật Bản ban hành các chính sách năng lượng trung và dài hạn của đất nước.
Tuy nhiên, bản kế hoạch năng lượng cơ bản mới nhất mà Nội các Nhật Bản thông qua hồi tháng 7/2018 lại đưa ra rất ít chỉ dẫn về định hướng cho các chính sách năng lượng mà nước này hướng tới.
Văn bản dài 106 trang này chỉ đề cập tới các thách thức về cơ cấu mà nguồn cung năng lượng của Nhật Bản đang phải đối mặt, và chỉ ra các vấn đề và chính sách cho năm 2030 và 2050.
Bản kế hoạch này nhấn mạnh mục tiêu chuyển đổi năng lượng và xây dựng xã hội có lượng khí thải carbon thấp vào khoảng năm 2050, đồng thời đề cập một vài phương án kỹ thuật để cụ thể hóa mục tiêu đó.
[Nhật ngừng cấp nước cho lò phản ứng bị tan chảy bên trong Fukushima]
Tuy nhiên, các phương án này đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trong bản kế hoạch năng lượng cơ bản soạn thảo ba năm trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ rõ cơ cấu năng lượng của năm 2030.
Cơ cấu này tiết lộ các mục tiêu định tính của chính phủ về tỷ lệ năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng khác vào năm 2030, nhưng các mục tiêu đó chỉ trở thành hiện thực nếu cùng lúc đáp ứng được ba yêu cầu:
Tăng tỷ lệ tự cung, tự cấp điện năng của Nhật Bản lên khoảng 25% sau khi chạm ngưỡng thấp 6% vào năm 2013 khi nhiều nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa do tác động của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima;
Không tăng giá điện sau khi giá điện đối với khu vực sản xuất đã tăng 40% năm 2014 do việc áp dụng hệ thống feed-in tariff (FIT - giá bán điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho lưới điện) đối với năng lượng tái tạo và sự gia tăng chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện bù đắp cho nguồn cung giảm từ các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa;
Và phấn đấu thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của tình trạng Trái đất nóng lên ngang với mức của Mỹ và châu Âu.
Mặc dù vẫn còn thời gian trước khi tới thời hạn 2030 nhưng có thể thấy, Chính phủ Nhật Bản khó đạt được các mục tiêu về cơ cấu năng lượng.
Tầm nhìn 2030 của Chính phủ Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Các bản kế hoạch năng lượng đều chỉ ra khoảng 44% năng lượng sẽ đến từ các hộ gia đình và sẽ không phát thải khí CO2 trong quá trình phát điện.
Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2019, phụ phí mà người dân phải trả thêm theo hệ thống FIT nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo sẽ lên tới 2.400 tỷ yen.
Đây đang là gánh nặng lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sản lượng điện Mặt Trời và điện gió đang tăng nhanh chóng nhưng tỷ trọng hai loại điện này trong tổng cung vẫn chưa tới 10%.
Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân theo các tiêu chuẩn an toàn mới đang bị kéo dài.
Đến nay, chỉ có 9 lò phản ứng đáp ứng các tiêu chuẩn mới và được phép nối lại hoạt động.
Trong tổng số 54 lò phản ứng mà Nhật Bản có trước thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng hồi tháng 3/2011, số lò phản ứng còn có thể hoạt động đã giảm xuống 34 sau khi trừ đi các lò phản ứng mà công ty điện lực quyết định dỡ bỏ do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn.
Các công ty điện lực lại đang đối mặt với chi phí tăng nhanh khi nâng cấp lò phản ứng để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới cũng như môi trường kinh doanh đầy bất ổn.
Hiện tại, điện năng sản xuất từ các nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 80% tổng cung điện ở Nhật Bản và tỷ lệ phát thải CO2 từ các nhà máy điện giờ đã cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra trận động đất năm 2011.
Đối với một nền kinh tế mà công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như Nhật Bản, nguồn cung năng lượng ổn định với chi phí phải chăng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Do Nhật Bản không có nguồn nhiên liệu hóa thạch ở trong nước, không có gì quan trọng hơn việc đảm bảo nguồn cung năng lượng từ các hộ gia đình.
Chính phủ sẽ phải thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng, đồng thời tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Sự chuyển đổi năng lượng này sẽ không xảy ra nếu không giảm được chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, giải quyết các thách thức về kỹ thuật và làm dịu các quan ngại về sự an toàn của năng lượng hạt nhân./.