Chính sách tiền tệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ đạt hiệu quả

Động thái cắt giảm lãi suất hồi tháng Tư vừa qua của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) đã làm dấy lên một loạt ý kiến khác nhau.
Việc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) cắt giảm lãi suất hồi tháng Tư vừa qua đã làm dấy lên một loạt ý kiến, ủng hộ có và chỉ trích cũng có.

Một số nhà kinh tế cho rằng CBRT đang nỗ lực nới lỏng sức ép đối với đồng lira để củng cố nội tệ này.

Các ý kiến khác cho rằng CBRT lo ngại tình hình tăng trưởng chậm lại của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, một vài chuyên gia lại cho rằng CBRT cần phải tăng chứ không phải cắt giảm lãi suất. Trong đó, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer Caglayan cho rằng động thái cắt giảm lãi suất diễn ra quá muộn.

CBRT bị chỉ trích vì đã có thái độ thiếu kiên quyết đối với vấn đề lạm phát và không thể kìm hãm tăng trưởng tín dụng quá mức tại các ngân hàng thương mại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thống đốc CBRT Erdem Basci trong hơn 30 tháng qua đã đưa ra một trong những chính sách tiền tệ phức tạp nhất đối với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới.

Chính sách tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là đứa con tinh thần của ông Basci - một viện sỹ 46 tuổi đã tham gia giảng dạy ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi trở thành phó thống đốc CBRT vào năm 2003 và thống đốc ngân hàng này vào tháng 4/2011.

Trong một báo cáo hàng năm công bố tháng 9/2012, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhưng những kết quả mà chính sách tiền tệ của CBRT mang lại không hoàn toàn mỹ mãn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các khu vực khác nhau của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang hiểu chính sách của CBRT theo những cách khác nhau, và hối thúc ngân hàng này nỗ lực tránh tạo ra cảm giác cho rằng các mục tiêu và công cụ thực hiện bị mâu thuẫn ở nhiều thời điểm.

Tuy vậy, các thị trường tài chính và các nhà kinh tế chính thống lại đánh giá cao nỗ lực của CBRT. Khi ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển đang gặp khó khăn thay thế những nỗ lực thường dẫn tới tình trạng lạm phát leo thang bằng việc in tiền, ông Basci đảm nhận nhiệm vụ phức tạp nhằm đảm bảo các luồng vốn rẻ chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng hiệu quả và không chỉ đơn giản là làm tăng giá hoặc khiến các ngân hàng không phân biệt đối xử trong việc cung cấp tín dụng.

Theo ông, trong khi giá trái phiếu và cổ phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức cao, đồng lira - có những biến động khá mạnh gây ra sự mất ổn định của nền kinh tế nước này trong quá khứ, ổn định so với đồng USD kể từ đầu năm 2012.

Hồi tháng 1/2013, tạp chí The Banker, có trụ sở tại London (Anh), đã công nhận ông Basci là Thống đốc Ngân hàng Trung ương xuất sắc nhất trong năm, cho rằng CBRT đã ra tay trước các thị trường mới nổi khác trong việc thiết kế các biện pháp để đối phó với các luồng vốn quốc tế dễ biến động.

CBRT đã tổ chức một hội nghị thảo luận về chính sách tiền tệ vào ngày 23/5 vừa qua. Thay vì tăng lãi suất để chống lại tình trạng lạm phát tăng cao như thông thường, ủy ban chính sách tiền tệ do ông Basci đứng đầu đã giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các cuộc khủng hoảng liên tục ở những nơi khác. Việc ngăn cản sự tăng giá của đồng lira đã giúp tiếp sức cho hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Để đối phó nguy cơ làm mất ổn định các luồng tiền đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, ông Basci đã tạo ra một biên độ rộng giữa lãi suất tại những khu vực mà CBRT có thể đi vay và cho vay trên các thị trường tiền tệ qua đêm và điều chỉnh các chi phí vốn trong biên độ này.

Ông Basci cũng nỗ lực kìm hãm tăng trưởng tín dụng ngân hàng thương mại và hạn chế sức ép lạm phát không phải với biện pháp tăng lãi suất truyền thống mà là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng ở ngân hàng trung ương. Sự điều chỉnh mang tính hệ thống này cho phép một số khoản dự trữ có thể được nắm giữ dưới dạng ngoại tệ và vàng, làm tăng thêm mức độ phức tạp.

Chính sách của ông Basci là một sự phản ứng mạnh mẽ đối với chu kỳ phát triển bùng nổ - suy giảm đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những thập niên qua. Nó đã xoá bỏ một số bất ổn truyền thống của ngân hàng trung ương, như ý tưởng nâng cao tỷ lệ lạm phát cần được đáp ứng bằng cách tăng lãi suất - một lý do mà chính sách này đã chứng minh là gây ra nhiều tranh cãi.

Tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã chậm lại nhanh chóng còn 2,2% trong năm 2012, nhưng tăng trưởng tín dụng ngân hàng ở nước này vẫn ở mức cao khoảng 19% so với mục tiêu trung hạn 15% của CBRT. Lạm phát không hoàn toàn được hạ nhiệt ở mức 6,13% trong tháng 4/2013, so với mục tiêu 5% vào cuối năm.

Nhà kinh tế Emre Deliveli làm việc tại CBRT và các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng sẽ tốt hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường sử dụng chính sách tài khoá để hỗ trợ tăng trưởng và kìm hãm nhu cầu khi cần thiết.

Một chính sách tiền tệ phức tạp có thể tạo thêm rủi ro. Ví dụ như cho phép các ngân hàng có thể tính thêm các khoản dự trữ ngoại tệ so với các quy định yêu cầu dự trữ bắt buộc làm dấy lên mức tăng chi phí đi vay bên ngoài ngắn hạn của các ngân hàng.

Theo số liệu thống kê của CBRT, chi phí đi vay đã tăng lên 62,5 tỷ USD trong tháng Hai vừa qua so với con số 45,3 tỷ USD vào cuối năm 2011. Ông Deliveli cho rằng hiện tại, đây không phải là một điều gì quá quan trọng nhưng có thể trở thành vấn đề phải lưu tâm nếu đồng lira mất sự ổn định và giảm giá nhanh chóng./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục