Theo đề án “Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ” do Sở Giao thông vận tải Hà Nội trình Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, bắt đầu từ ngày 1-12 tới, Hà Nội sẽ có thêm 6 tuyến phố đi bộ, nâng các phố đi bộ lên 10 tuyến. Cùng với đó vào các ngày cuối tuần, phương tiện đi trên các tuyến phố này cũng bị cấm từ 6 đến 22 giờ. Đánh giá của Sở Giao thông Vận tải cho rằng, phố đi bộ còn nhiều bất cập và thiếu bản sắc. Việc tổ chức các tuyến phố đi bộ lần này được xác định khác với tổ chức bốn tuyến phố đi bộ trước đây, đó là phải đảm bảo nguyên tắc không tổ chức kinh doanh dưới lòng đường để không ảnh hưởng đến việc đi bộ của người dân. Tuy nhiên, đề án của Sở chưa nhắc đến việc giải quyết tình trạng sử dụng lòng đường kinh doanh của chợ đêm nên số phận của chợ này sau khi đề án trên đi vào hoạt động vẫn còn là một câu hỏi. Phố đi bộ còn bất cập và thiếu bản sắc Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phố đi bộ và chợ đêm trên tuyến Hàng Đào – Đồng Xuân mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng trong quá trình hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập và thiếu bản sắc văn hóa. “Khách du lịch khi đến đây đều có chung nhận xét, việc bố trí, sắp xếp gian hàng quá dầy đặc cũng như tình trạng các sạp hàng tự phát trên vỉa hè không theo quy hoạch đã gây khó khăn cho khách tham quan, điều này làm ảnh hưởng đến mục đích đi bộ và thưởng ngoạn của du khách,” đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết. Cũng theo đề án, phần lớn hàng hóa bày bán trên tuyến phố đơn điệu, lại không được niêm yết giá gây khó khăn cho du khách đến đây mua sắm. Tuyến phố đi bộ, chợ đêm chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, thời gian kinh doanh ngắn làm tăng chi phí lưu thông. Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, các làng nghề, phố nghề chưa muốn đầu tư, tham gia kinh doanh trên tuyến phố đi bộ chợ đêm. Tình trạng thiếu bãi gửi xe cho người dân và khách đến tham quan, mua sắm ngày càng trở nên trầm trọng; mức phí trông giữ xe cũng không tuân thủ theo qui định của nhà nước. Các phương án tổ chức giao thông tại các phố có nút giao với tuyến phố đi bộ còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là vào các ngày lễ, Tết. Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc tổ chức phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là rất cần thiết, nhằm tạo ra một không gian đi bộ cho tất cả người dân, du khách. Sở đã tiến hành khảo sát và điều tra xã hội học, kết quả tại khu vực 10 phố đi bộ có đến 70,4% phiếu ủng hộ, số phiếu không ủng hộ và ý kiến khác chỉ chiếm 29,6%. “Việc tổ chức các tuyến phố đi bộ lần này được xác định khác với tổ chức bốn tuyến phố đi bộ trước đây, đó là phải đảm bảo nguyên tắc không tổ chức kinh doanh dưới lòng đường để không ảnh hưởng đến việc đi bộ của người dân,” ông Tân cho biết. Ông Tân cũng khẳng định: “Cũng như nhiều thủ đô khác trên thế giới, nhu cầu về các khu phố đi bộ tại khu vực đô thị trung tâm là tất yếu đối với một đô thị mang nhiều nét văn hóa truyền thống như Hà Nội. Việc phát triển mở rộng thêm khu phố đi bộ ở khu vực trung tâm Hà Nội sẽ tạo cho Thủ đô có không gian đi bộ nhằm phát huy nét giá trị văn hóa cổ, đồng thời phát huy tiềm năng về du lịch, thương mại, dịch vụ vốn có của Hà Nội 36 phố phường." Bố trí 14 điểm trông giữ xe Đề án tổ chức phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là vấn đề mang tính xã hội cao và đa dạng về đối tượng chịu ảnh hưởng, không chỉ người dân sinh sống trực tiếp tại khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ mà còn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khu vực các tuyến phố lân cận và toàn bộ các hộ kinh doanh buôn bán. Bên cạnh đó, khi tổ chức tuyến phố đi bộ cũng ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch, thương mại của thành phố. Khi thực hiện đề án sẽ có 3.253 nhân khẩu sống trên 10 tuyến phố đi bộ bị ảnh hưởng trực tiếp, người dân ở 44 tuyến phố liên quan khác bị ảnh hưởng gián tiếp. Theo đề án, vấn đề lớn nhất phải giải quyết khi thực hiện đề án là tổ chức đi lại và bố trí các điểm để xe cho người dân. Cụ thể, trong thời gian tổ chức phố đi bộ, tại 10 tuyến phố đi bộ sẽ tổ chức cấm xe ra vào, trừ những xe ưu tiên có phù hiệu. Qua khảo sát của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, với 925 hộ dân tại 10 tuyến phố tổ chức không gian đi bộ, sở đã xác định có 1.529 phương tiện, trong đó xe máy chiếm trên 95%, ôtô chỉ có 38 xe. Số ôtô này chủ yếu được gửi tại các bãi gửi xe nên việc tổ chức phố đi bộ không ảnh hưởng nhiều đến những người có loại xe này. Còn xe máy phần lớn được để tại nhà (chiếm 78,54%), còn lại được gửi tại các bãi gửi xe lân cận khu vực kinh doanh buôn bán của người dân (chiếm 21,46%). Để đảm bảo du khách có chỗ để xe đáp ứng số lượng lớn, ông Tân cho biết: “Sở đã bố trí 14 điểm giữ xe với tổng diện tích 5.670m2 cho người dân trong phố và du khách đến tham quan, mua sắm. Trường hợp đặc biệt, khi tổ chức phố đi bộ vào các ngày lễ lớn, lượng xe tăng đột biến, sẽ tận dụng các tuyến phố lân cận khu vực triển khai tuyến phố đi bộ để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu gửi xe. “Về việc thu phí giữ xe, các cơ quan chức năng, quận và các phường sẽ phải có trách nhiệm giám sát, xử lý,” ông Tân chỉ rõ. Để đảm bảo cho người dân trong khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ đi lại thuận tiện, tất cả hộ dân sẽ được cấp phù hiệu riêng để dắt xe vào nhà hoặc gửi xe tại các bãi xe do Sở Giao thông Vận tải và Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm bố trí. Đối với ô tô thuộc các cơ quan có trụ sở tại khu vực này được cấp phù hiệu và để xe trong khu vực của cơ quan. Xe công vụ, xe điện báo, xe đưa đón học sinh… sẽ được xem xét cấp phù hiệu với điều kiện xe ô tô chỉ được chạy với vận tốc dưới 15km/h và theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông./.
Ngoài bốn tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân đã tổ chức không gian đi bộ vào các buổi tối cuối tuần từ năm 2004, sáu tuyến phố đề xuất tổ chức mới gồm phố Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, một đoạn phố Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền), phố Lê Thạch và Lê Lai (đoạn cạnh tượng đài Lý Thái Tổ) sẽ được tổ chức từ ngày 1/12. |
Việt Hùng (Vietnam+)