Sau hơn 1 năm phát động chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, phong trào này không còn theo kiểu hô hào khẩu hiệu mà đã lan tỏa sâu rộng, trở thành hành động thống nhất trong các cấp, các ngành đến người dân.
Vậy nhưng, gần đây, tại nhiều siêu thị, khu chợ ở Hà Nội, tình trạng bày bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon vẫn xuất hiện phổ biến.
Túi nilon lại “bủa vây” chợ, đường
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus tại một số khu chợ ở Hà Nội như chợ Kim Giang, Đại Từ, Kim Văn Kim Lũ (quận Hoàng Mai); chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ đầu mối Long Biên,… cho thấy tình trạng sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, giấy bóng bọc thực phẩm vẫn được bày bán và sử dụng như "thói quen khó bỏ."
Ngay cả các siêu thị, cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh có tiếng cũng "ngựa quen đường cũ" với bao bóng, túi nilon vì tính tiện lợi khi sử dụng. Những sản phẩm này có giá rất rẻ: ống hút 5.000-10.000 đồng/túi 100 chiếc; cốc nhựa khoảng 10.000-20.000 đồng/túi 50 chiếc; túi bóng “gói hàng siêu tốc” 30.000 đồng/cuộn/100 túi…
Chị Nguyễn Thị Huyền (31 tuổi ở quận Hoàng Mai) cho biết chợ Đại Từ là một trong những khu chợ có mật độ người buôn bán rau, củ quả, thực phẩm đông đảo ở quận Hoàng Mai. Lượng người qua chợ hàng ngày rất đông. Cũng bởi thế, việc mua bán sử dụng bao bóng, túi nylon và vứt chất thải nhựa ra đường rất phổ biến.
Vào tầm chiều tối, chỉ cần quan sát khoảng 10 phút trước cổng chợ Đại Từ sẽ thấy cứ một người ra khỏi chợ là xách theo tối thiểu từ 2-5 túi nylon đựng đồ, thức ăn. Thậm chí có người còn xách cả chục chiếc túi nylon đựng rau quả, thịt cá...
Dọc đường qua chợ Đại Từ, Kim Giang, các xe bán hoa quả, đồ uống ven đường sử dụng túi nilon, ly nhựa, ống hút nhựa, chai nhựa, hộp xốp dùng để gói hàng cho khách cũng rất phổ biến. Nhiều chỗ, hộp nhựa, túi nilon vứt bừa bãi ven đường.
Khẳng định việc “chống” rác thải nhựa là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và môi trường, song chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương ở chợ Kim Giang cũng bày tỏ quan điểm với điều kiện “người dân phải mang túi đựng đi thì những người buôn bán thực phẩm vốn làm dâu trăm họ ở chợ như chị mới thực hiện được.”
“Chúng tôi bán hàng mà không có túi đựng cho khách khi họ yêu cầu thì cũng không được. Cũng có người mang túi vải đựng rau... nhưng số người làm được như vậy rất ít,” chị Hoa chia sẻ và cho rằng với ưu điểm rẻ, tiện dụng nên nhiều người vẫn không chịu thay đổi thói quen dùng túi nylon để đựng rau, quả, thịt cá khi ra chợ.
[10 khẩu hiệu kêu gọi cộng đồng chung tay làm cho thế giới sạch hơn]
Hậu quả là dọc các tuyến đường như Kim Giang, Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai),… vào mỗi buổi chiều tối, túi nilon với đủ loại màu sắc xanh, đỏ, vàng, đen chứa rác thải sinh hoạt được đưa lên các xe đẩy rác...
Sẽ nâng thuế túi nylon, áp chế tài mạnh
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý môi trường, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thừa nhận sau hơn 1 năm phát động “chống rác thải nhựa,” phong trào này đã lan tỏa sâu rộng, song tình trạng mua bán, sử dụng túi nilon như phóng viên phản ánh là đúng thực tế.
Lý do ông Hiền đưa ra là vì thói quen sử dụng túi nilon “khó bỏ” của người dân. Cùng với đó là việc loại túi này vẫn được nhiều người coi là tiện lợi và giá rẻ… dù đã có nhiều công bố cho thấy độc hại và ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt.
Trước thực tế trên và thực hiện theo Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, ông Hiền cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng một kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các yêu cầu, hoạt động về giảm thiểu chất thải nhựa.
“Hiện chúng tôi cũng đang sửa Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có đưa nhiều nội dung liên quan đến giảm rác thải nhựa, tái sử dụng rác thải nhựa,” ông Hiền nói.
Ngoài ra, Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, cũng quy định rất rõ lộ trình đến năm 2025 là 100% các siêu thị không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy. Thuế bảo vệ môi trường cũng đã “đánh” tiền sử dụng túi nilon khó phân hủy vào quy định bảo vệ môi trường.
[Sẽ xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam]
Về giải pháp cụ thể, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho rằng “bây giờ muốn thực hiện hiệu quả thì chỉ có cách tăng cường truyền thông.” Về khía cạnh luật, trong quá trình sửa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần này cũng sẽ sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường, tức là tăng mức thuế đối với túi nilon cao hơn, để “những loại túi nilon khó phân hủy, độc hại sẽ không sản xuất ra nữa.”
Cùng với đó, theo ông Hiền, các siêu thị cũng cần phải tuân thủ biện pháp cương quyết đối với khách hàng là phải mua túi, không phát tui như hiện nay. Các hàng quán càphê, quán nước cũng cần có cam kết không sử dụng đồ nhựa một lần.
“Tuy nhiên để làm được điều này sẽ phải có chế tài cụ thể,” ông Hiền nêu quan điểm vẫn cho biết đơn cử như vứt rác ra đường phải xử phạt, các siêu thị phải cam kết không cung cấp bao bì nilon khó phân hủy. Ngoài ra cũng cần có sự giám sát của cộng đồng.
“Tôi cho rằng người dân cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường bằng việc hạn chế sử dụng bao bì túi nilon khó phân hủy. Người dẫn hãy nói không với túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần. Đừng vì tiện lợi, rẻ mà làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến chính sức khỏe của mình. Hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng,” ông Hiền chia sẻ thêm.
Trước đó, tại lễ phát động toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, diễn ra ngày 9/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững.”
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu và đề nghị: Bí thư các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên, các tổ chức đoàn thể… quan tâm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa./.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, rác thải nhựa được sử dụng một cách tràn lan. Tại Hà Nội, mỗi ngày thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%. Tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Những con số này cho thấy, túi nilon đã và đang là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng.” |