Chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn mùa mưa bão

Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị báo cáo đề án ứng phó với siêu bão; nhận định xu thế thời tiết và triển khai nhiệm vụ năm 2014.
Chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn mùa mưa bão ảnh 1Chiến sỹ Đồn Biên phòng 84 luyện tập cứu người bị nạn trong mưa bão. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 4/4, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013; báo cáo đề án ứng phó với siêu bão; nhận định xu thế thời tiết và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả trong công tác phòng chống lụt bão năm 2013, các địa phương đã chủ động triển khai toàn diện công tác chuẩn bị phòng ngừa, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan các cấp ở địa phương đã chỉ đạo quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành; chấp hành tốt quy chế trực ban phòng chống lụt bão, tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ bão; chủ động, sáng tạo trong triển khai đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, quản lý giao thông bộ và thủy, quản lý tàu thuyền trên biển.

Sau mỗi đợt thiên tai, các địa phương đã tập trung hỗ trợ dân sinh, khắc phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất...

Về nhiệm vụ năm 2014, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cần sớm hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống thiên tai; thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát, kịp thời tu sửa hoặc có phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông vượt lũ, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trong đó kiên quyết không cho tích nước ở những hồ chứa không đảm bảo an toàn...; điều chỉnh chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai; rà soát kế hoạch phòng chống thiên tai ở các tỉnh phía Nam; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống thiên tai.

Hội nghị đã đề ra 18 biện pháp cần thực hiện tập trung và quyết liệt trong năm 2014 với phương châm "Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả."

Trong đó tập trung hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật phòng chống thiên tai; Nghị định thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tai; Nghị định thay thế Nghị định 72/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn hồ đập và Quyết định Quy định cấp độ rủi ro thiên tai. Đồng thời tổ chức, triển khai hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản dưới luật để thực thi đạt kết quả tốt trong công tác phòng chống thiên tai năm 2014 và những năm tiếp theo.

Các đơn vị kiểm tra, rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông vượt lũ, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế...; rà soát quy hoạch triển khai thực hiện bố trí dân cư, nhất là khu vực thường xuyên bị ngập lũ, đảm bảo kết hợp giữa phát trỉển kinh tế-xã hội và giảm thiểu rủi ro thiên tai; xây dựng và tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Bên cạnh đó tăng cường việc trồng mới và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm nâng cao khả năng điều tiết, kéo dài thời gian truyền lũ về hạ du, bảo vệ hệ thống đê sống, đê biển, chống triều cường và sóng lớn khi có bão; phối hợp các đơn vị liên quan trong việc giám sát, vận hành xả lũ; đầu tư bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, xây dựng bản đồ ngập lụt, hệ thống cảnh báo thông tin tới nhân dân vùng hạ lưu đập.

Các đơn vị cũng nghiên cứu, đề xuất chính sách sử dụng một phần dung tích hồ chứa thủy điện lớn vào việc tham gia cắt lũ cho hạ du; lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng với công tác phòng chống lụt bão nhằm đảm bảo an toàn dân cư, trong đó ưu tiên những vùng thường xuyên bị ngập lụt, vùng có tần suất xảy ra thiên tai cao nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động trong phòng tránh và có cuộc sống ổn định hơn...

Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận của các bộ, ngành địa phương về kinh nghiệm trong công tác đối phó với bão lũ lớn, bài học kinh nghiệm trong công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục