Chủ động xây dựng nền kinh tế phù hợp với tình hình mới

Tại phiên thảo luận ngày 2/6, các đại biểu Quốc hội tập trung bàn luận giải pháp để kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc vào nước ngoài cũng như hỗ trợ ngư dân bám biển.
Chủ động xây dựng nền kinh tế phù hợp với tình hình mới ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Giải pháp để kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc vào nước ngoài cũng như hỗ trợ ngư dân bám biển trong điều kiện hiện nay là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 2/6.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.

Hạn chế lệ thuộc vào nước ngoài

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nhận định các Hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế hiện nay về nguồn cung ứng "đầu vào" cho sản xuất trong ngành dệt may một số nguyên phụ liệu Việt Nam đã phải nhập 50-60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nga, Ukraine và các nền kinh tế khác.

Còn về "đầu ra" của nền kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết theo số liệu chính thức, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam.

Do đó, thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng thẳng thắn cho rằng việc hoạt động ngoại thương vẫn dựa vào các doanh nghiệp FDI như hiện nay bộc lộ sự kém bền vững của thành tích xuất siêu.

Để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các Hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa "đầu ra" cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản của Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới.

Đó là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay, Việt Nam còn làm chưa tốt.

Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ đây là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó. Vì vậy, các bộ ngành cần trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Hà Sỹ Đồng, đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đề nghị, các ngành chức năng cần tăng cường tìm kiếm, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các quan hệ thương mại, hỗ trợ bảo vệ và phát triển thương hiệu, xây dựng đề án đối với từng khu vực thị trường nhằm khai thác tốt tiềm năng và đặc thù của từng thị trường.

Trao đổi thêm về quan hệ thương mại với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định về quan hệ thương mại, Trung Quốc là một đối tác quan trọng.

Theo con số thống kê thì trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tức là hơn 10 tỷ USD trong tổng số trên 133 tỷ USD xuất khẩu.

Còn nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu giá trị khoảng 133 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ USD.

“Ngay từ nhiều năm trước đây Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Trong thời gian qua giữa Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp của hai bên đã thực hiện nhiều biện pháp. Gần đây nhất năm 2013 đã ký ba hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.

Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, đương nhiên do quy mô tương đối lớn cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Đồng tình và đánh giá cao những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về đầu tư đồng bộ, kịp thời, về tiềm lực quốc phòng và tiềm lực quốc phòng toàn dân, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho rằng, để đáp ứng lâu dài về nhiệm vụ, chiến lược, bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc, tăng cường xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo, thế trận quốc phòng toàn dân với quan điểm vững toàn diện, mạnh trọng điểm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Đại biểu đề nghị tập trung đầu tư những tàu đánh cá lớn cho ngư dân, trước mắt là đầu tư ở các vùng trọng điểm có số lượng thích hợp.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng: “Chúng ta có thể cho vay không lãi đầu tư vào một số tỉnh trọng điểm, hỗ trợ lãi suất để cho nhân dân vừa đánh cá, vừa giữ vững chắc biển đảo, tạo thế lòng dân liên hoàn trên biển. Đồng thời kiện toàn tổ chức các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn lớn đánh cá trên biển để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.”

Về ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết Đoàn thư ký đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để xin ý kiến về phương án bảo đảm cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013. Trong đó, một vấn đề rất lớn là dành 16.000 tỷ đồng cân đối trong ngân sách năm 2013 để chi cho cảnh sát biển, chi cho lực lượng kiểm ngư và chi để hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Đây là một vấn đề rất lớn sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định tại kỳ họp này.

Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cùng đồng tình với giải pháp hỗ trợ ngư dân bám biển và cùng đề nghị ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước như hiện nay nên huy động toàn xã hội để ngư dân có đủ điều kiện đóng tàu lớn từ 2.000 mã lực trở lên để đánh bắt xa bờ vừa đảm bảo cuộc sống gia đình và bảo vệ Tổ quốc.

Về nguồn kinh phí 16.000 tỷ đồng, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội phải cắt tối đa phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... để nhân dân thấy rằng trong bối cảnh đất nước hiện nay Quốc hội thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ dân ổn định đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục