Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 trong tổng số 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông để đưa vào vận hành ngay trong mùa lũ.
Trong đó, có 5 quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành mới (gồm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Trà Khúc và sông Kôn-Hà Thanh); 5 quy trình vận hành liên hồ chứa được điều chỉnh, bổ sung các quy định vận hành trong mùa lũ (gồm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San và sông Srêpôk).
Mặc dù vậy, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra hôm nay (1/10), ông Hoàng Văn Bẩy cũng thừa nhận, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa tại các lưu vực sông hiện đang là vấn đề hết sức phức tạp. Nếu không điều chỉnh hợp lý, rất dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa các bên liên liên quan.
Theo ông Bảy, khó khăn nhất hiện nay là để đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, điều tiết nước cho hạ du thì phải thay đổi thứ tự ưu tiên vận hành cả mùa lũ và mùa cạn. Tuy nhiên, để thay đổi được nguyên tắc, thứ tự ưu tiên này, quy trình vận hành liên hồ chứa cần rất nhiều thời gian, công sức và phải giải quyết hài hòa lợi ích các địa phương, chủ hồ.
Bên cạnh đó, với những đặc điểm về nguồn nước, vấn đề đảm bảo nước cấp cho hạ du trong thời gian các hồ không tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du và mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước trên một số lưu vực sông cũng hết sức phức tạp, đặc biệt là các lưu vực sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
“Vì vậy, để đảm bảo sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương và các bên liên quan trong suốt quá trình xây dựng các phương án vận hành, bảo đảm chất lượng quy trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã áp dụng quy trình của việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhằm giảm tránh những mâu thuẫn giữa các bên trong quá trình vận hành,” ông Bảy nói.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cũng cho biết, về thẩm quyền quyết định vận hành hồ, các chủ hồ chỉ được quyết định vận hành trong điều kiện thời tiết bình thường nhưng phải khống chế ở mực nước hồ không được vượt quá mực nước trước lũ; Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh quyết định việc vận hành các hồ khi dự báo có khả năng xuất hiện các tình huống gây mưa lũ.
Tuy nhiên, trong các quy trình phải có riêng một điều quy định việc tích nước cuối mùa lũ, đây là một điểm mới và khá quan trọng trong quy trình. Theo đó, sau khi các hồ tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du, chủ hồ sẽ được chủ động tích nước trong thời kỳ cuối mùa lũ nhằm nâng cao khả năng tích đầy hồ để cấp nước cho mùa cạn.
Ngoài ra, “để đảm bảo sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương và các bên liên quan trong suốt quá trình xây dựng các phương án phối hợp vận hành, quy trình cũng đã quy định cụ thể chế độ trách nhiệm của các bên về bảo đảm an toàn công trình đối với người ra lệnh, người thực hiện lệnh và trách nhiệm, thẩm quyền xử lý các tình huống cụ thể trong việc bảo đảm an toàn công trình,” ông Bẩy nhấn mạnh./.