Theo trang mạng CNN, sau tin tức về sự ra đi của cố Tổng thống George H.W. Bush, khác biệt giữa sự lãnh đạo của vị cố Tổng thống này và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ngày càng rõ nét.
Ông George H.W. Bush được biết đến như một nhà lãnh đạo gắn kết, từng đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc Chiến tranh Lạnh, trong khi đó, ông Trump lại là người gây ra nhiều bất đồng chia rẽ trong dân chúng và có khả năng sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Trump đã nỗ lực ngăn chặn những hậu quả đáng sợ nhất có thể xảy ra, ít nhất là trong lúc này, song lại bị "trói tay". Những cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 của ông phần lớn bị hủy bỏ hoặc bị lảng tránh.
Trên thực tế, tất cả những "đối thủ" của ông Trump đều có mặt tại đây, bao gồm cả những nhà lãnh đạo mà ông cho là độc tài như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và cả những người vừa là bạn vừa là thù như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May.
Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng có một cuộc gặp thực sự quan trọng, đó là buổi gặp ăn tối giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. May mắn là ông Trump đã lùi lại trước khi rơi xuống bờ vực thẳm.
Cả hai nhà lãnh đạo rõ ràng đều bị "quyến rũ" bởi điều mà họ cho là quyền lực tối cao của người kia đối với đất nước của mình và các sự kiện của thế giới.
Điều khác biệt lớn duy nhất đó là nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình không bị giới hạn, trong khi nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn 2, hoặc tối đa là 6 năm.
Thành quả khiêm tốn mà hai nhà lãnh đạo này đạt được sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng gần ngay trước mắt. Ông Trump và ông Tập Cận Bình nhất trí để hai bên tiếp tục đàm phán, lùi thời hạn áp đặt mức thuế quan mới, dự kiến vào ngày 1/1/2019 lại 3 tháng, và giúp thị trường chúng khoán tạm thời phục hồi sáng 3/12.
[Có phải các nhà lãnh đạo G20 đang che giấu những bất đồng?]
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, những phiên họp toàn thể lớn không gây được tiếng vang và thu hút sự chú ý của báo giới bằng những cuộc gặp song phương, hay thậm chí là những cuộc đối thoại ngắn bên ngoài hành lang giữa các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc gặp này hoặc là bị hủy bỏ, hoặc là bị thu nhỏ quy mô vào phút cuối.
Mặc dù vậy, ông Trump lại im lặng khiến nhiều người tò mò. Có thể đây là những động thái khá khéo léo của các nhà cố vấn nhằm tránh dẫn tới những tít báo chí không mong muốn hoặc những điều đối tồi tệ mà ông Trump - người khó có thể tuân thủ các quy tắc ngoại giao - gây ra.
Tất nhiên, một số người có thể cảm thấy rằng việc dành quá nhiều thời gian kè kè bên cạnh ông Trump hay những cuộc đối thoại kéo dài với vị tổng thống này, về mặt ngoại giao, sẽ giống như là chơi với một "quả lựu đạn". Không ai biết khi nào chốt của quả lựu đạn này bị kéo ra.
Mặc dù vậy, điều khá buồn là động thái thông minh nhất mà Tổng thống Trump có thể làm là hủy bỏ các cuộc gặp, ví dụ như cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin trong khi một cuộc gặp song phương và trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga thậm chí có thể giúp ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Nga ở Biển Đen và giành lại quyền lực ở Đông Ukraine.
Tính bốc đồng thường không phải là "thứ gia vị tốt" giúp tăng sự hấp dẫn của các cuộc gặp quốc tế. Mặc dù những tính xấu của ông Trump thường được phơi bày tại các cuộc gặp quốc tế - gần đây nhất là tại lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất tại Paris hồi tháng trước, song lần này rõ ràng ông Trump đã không để điều đó xảy ra.
Ngoài việc ngừng "chiến tranh lạnh" với Trung Quốc, chính sách "nước Mỹ trước tiên" và "phần còn lại của thế giới thật đáng ghét" của ông Trump hầu như chẳng mảy may thay đổi. Thay vào đó, dường như phần còn lại của thế giới chỉ đơn giản là đã chấp nhận nhà lãnh đạo này, coi đó là điều bình thường.
Thái độ như vậy đối với ông Trump cũng giống như cách Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mở đầu cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20: "Tôi muốn chúc mừng ngài về chiến thắng lịch sử của ngài trong cuộc bầu cử giữa nhiệm vừa qua ở Mỹ."
Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ông Abe có đọc tin tức gì về cuộc bầu cử vừa qua ở Mỹ hay không, hay ông chỉ đơn giản đã học được một bài học quan trọng trong việc đối phó với một người như ông Trump.
Cuối cùng, sau khi Mỹ từ chối ký vào tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, các thành viên còn lại chỉ đơn giản viết vào các tài liệu rằng Mỹ là trường hợp ngoại lệ.
Điều này phản ánh quan điểm của phần lớn các nước phương Tây rằng Mỹ luôn là trường hợp ngoại lệ. Điều này giúp tất cả các bên có thể tuyên bố rằng họ đã đạt được chút ít thành công.
Về vấn đề thương mại, bản tuyên bố chung của G20 nói rằng đây không phải là vấn đề thương mại tự do mà là vấn đề thương mại công bằng, không hề đề cập tới chủ nghĩa bảo hộ, và nhượng bộ tham vọng cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Mỹ - bởi phần lớn các nước thành viên đều cho rằng có thể bổ sung một số sửa đổi chứ không xóa bỏ hoàn toàn.
Điều này đã giúp ông Trump có được chút thành tích cuối cùng về vấn đề ông thường xuyên bị phàn nàn.
Phát biểu trước các phóng viên trên chiếc Không lực Một chuẩn bị trở về Mỹ, ông cho biết ông đang lên kế hoạch bắt đầu cơ chế để "sớm" rút khỏi NAFTA.
Như vậy có nghĩa rằng, Hạ viện Mỹ vừa rơi vào tay đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm vừa qua và Thượng viện Mỹ sẽ có 6 tháng để thông qua hiệp định thương mại mới được sửa đổi mà ông Trump đã ký kết tại Buenos Aires./.