Chủ tịch nước dự lễ giao nhận công nghệ khai thác cá ngừ của Nhật

Sáng 31/10 tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ giao nhận công nghệ, ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật cho ngư dân tỉnh.
Chủ tịch nước dự lễ giao nhận công nghệ khai thác cá ngừ của Nhật ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định sử dụng công nghệ và ngư cụ của Nhật Bản để câu cá ngừ đại dương. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Sáng 31/10 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ giao nhận công nghệ và ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân Bình Định.

Buổi lễ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hội Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam tại Sakai tổ chức, nhằm chuyển giao công nghệ và ngư cụ cho 25 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại buổi lễ, Ngài Kato, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam tại Sakai nhấn mạnh sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nhật Bản tháng 3/2014, để triển khai những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Hội đã cử chuyên gia đến Bình Định khảo sát thực tế và bước đầu hỗ trợ 5 hộ dân đầu tiên thí điểm cải thiện quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ.

Nhờ đó, tháng 8/2014, chuyến hàng cá ngừ đầu tiên ứng dụng công nghệ mới, chất lượng tươi ngon của ngư dân miền Trung đã được xuất sang Nhật Bản, tham gia phiên bán đấu giá và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Sau những thành công ban đầu, Hội Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam tại Sakai, JICA quyết định lập dự án, tăng cường hỗ trợ ngư cụ và công nghệ hiện đại đánh bắt cho ngư dân Bình Định, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Trong quá trình triển khai, vượt qua những khó khăn từ lúc manh nha ý tưởng đến thành quả thực tế, chương trình luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bình Định, chuyên gia Nhật Bản, cùng nỗ lực của ngư dân, đạt mục tiêu đề ra, từng bước phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, trước sự chứng kiến của các chủ tàu, chuyên gia thủy sản trong và ngoài nước, Ngài Yamada, đại diện phía Nhật Bản, đã giới thiệu dự án, đã giới thiệu tính năng ưu việt của các thiết bị đánh bắt: máy xung điện, lưới, lưỡi câu, mồi câu..., hướng dẫn quy trình đánh bắt và bảo quản cá ngừ cho các ngư dân.

Ngài Yamada bày tỏ mong muốn ngư dân Bình Định sẽ tiếp thu và ứng dụng thành công công nghệ đánh bắt của Nhật Bản để nâng cao hiệu quả đánh bắt, cải thiện đời sống và thu nhập; đưa thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định đến thị trường Nhật Bản.

Đại diện tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đại diện ngư dân đã bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Nhật Bản trong việc đưa thương hiệu cá ngừ Bình Định thâm nhập thị trường Nhật, xem đây là bước đột phá mạnh mẽ, thay đổi phương thức đánh bắt nhỏ lẻ truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề cá Bình Định - nơi có đội tàu gồm 6.800 tàu cá hoạt động tích cực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Các đại biểu cũng đề nghị các hộ ngư dân tham gia dự án sẽ sẽ tiếp thu đầy đủ, thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của chuyên gia, ứng dụng thành công công nghệ đánh bắt tiên tiến vào sản xuất, đưa khai thác cá ngừ thành ngành kinh tế chủ đạo của địa phương.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Bình Định cùng các ngư dân đã chứng kiến lễ ký kết biên bản giao nhận ngư cụ của Nhật Bản và kinh phí nâng cấp hầm bảo quản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho ngư dân; bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Nhật Bản Kagoshima (Nhật Bản) và tỉnh Bình Định trong nghiên cứu tiềm năng thủy sản.

Chủ tịch nước cũng đã tặng quà cho các ngư dân tham gia chương trình, có nhiều đóng góp trong quá trình vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục