Chủ tịch Techcombank chia sẻ về trái phiếu, bất động sản, chia cổ tức

Năm 2022, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021 và duy trì nợ xấu dưới 1,5%, tín dụng dự kiến tăng 15,0% lên 446.600 tỷ đồng.
Chủ tịch Techcombank chia sẻ về trái phiếu, bất động sản, chia cổ tức ảnh 1Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông Techcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 23/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2022.

Trước câu hỏi của cổ đông về việc mấy năm liền các nhà đầu tư của Techcombank không được chia cổ phiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Hùng Anh cho biết tầm nhìn kiên định của ngân là dài hạn, đảm bảo lợi ích cho cổ đông và sự phát triển bền vững cho tổ chức. Việc giữ lại vốn giúp Techcombank có nguồn lực để khai thác các cơ hội kinh doanh trên thị trường với tỷ suất cao, điều này tốt hơn việc chia cổ tức trong ngắn hạn. Còn về dài hạn giá trị mà Techcombank thu lại được vẫn thuộc về cổ đông. 

[Techcombank huy động khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 500 triệu USD]

Theo ông, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là không cần thiết. Trước đó, năm 2018 Techcombank đã chia tới 80%.

"Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng,nhưng không phải vậy, giá cổ phiếu lúc đó đã giảm ba lần. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đồng," ông Hồ Hùng Anh nói. 

Về việc đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản, người đứng đầu Techcombank cho biết Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ là phát triển thị trường vốn lành mạnh. Thực tế, cơ quan quản lý không hạn chế thị trường vốn mà đang làm sạch và một số vấn đề tiêu cực xảy ra vừa qua là thiểu số. Do đó, việc phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp mà Techcombank đã lựa chọn.

Khi đầu tư vào vào trái phiếu, Techcombank phải thẩm định như một khoản cho vay trung dài hạn và đương nhiên trong đó sẽ có từ phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ. Đây cũng là cơ hội để Techcombank giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trái phiếu tốt. 

Đối với siết cho vay bất động sản, Techcombank chưa gặp vấn đề nào về các khoản vay bất động sản với nợ xấu gần như bằng 0 trong 5 năm qua. Việc vừa qua ngân hàng có công văn tạm dừng cho vay bất động sản chỉ là tạm thời.

Cũng theo ông Hồ Hùng Anh, trong những năm vừa qua Techcombank cho vay các dự án bất động sản đều có các chủ đầu tư uy tín. Ngân hàng cũng tập trung cho vay vào nhóm người mua nhà, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất hoặc đạng có khả năng đầu cơ, không mang lại giá trị thặng dư.

Chủ tịch Techcombank chia sẻ về trái phiếu, bất động sản, chia cổ tức ảnh 2Lợi nhuận trước thuế của Techcombank từ năm 2017-2022. (Đơn vị: Tỷ đồng)

Trong năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021 và duy trì nợ xấu dưới 1,5%. Tín dụng dự kiến tăng 15,0% lên 446.600 tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế khi ngân hàng tiếp tục phát huy thế mạnh từ việc tối ưu hóa việc quản lý tài sản nợ-có (ALM).

Techcombank cũng báo cáo việc tăng vốn điều lệ lên 35.200 tỷ đồng, tăng 0,18%, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP).

Đại hội đã thông qua đơn xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024 của ông Đỗ Tuấn Anh vì công việc cá nhân. Trước đó, ông Đỗ Tuấn Anh cũng đã có đơn từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục