Ngày 15/4, Trung Quốc thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cùng với Pháp và Đức, dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 16/4.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời mời Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia hội nghị này.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông John Kerry tới Thượng Hải, Trung Quốc, để tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với kế hoạch giải quyết những thách thức về môi trường của Washington.
[Thúc đẩy cam kết về khí hậu, đặc phái viên John Kerry thăm UAE, Ấn Độ]
Tổng thống Mỹ Biden đã có những bước đi đảo ngược chính sách về khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump.
Ông Biden đã đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chuẩn bị chủ trì một hội nghị trực tuyến về khí hậu với các nhà lãnh đạo thế giới vào tuần tới, với hy vọng sẽ dẫn đến các cam kết mạnh hơn về khí hậu.
Ông Biden đã mời lãnh đạo 17 nước phát thải tới 80% lượng khí thải trên toàn cầu tham dự sự kiện này, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện ông Tập Cận Bình chưa xác nhận có tham dự hội nghị trên hay không.
Giới chuyên gia nhận định rằng không giải pháp toàn cầu nào về biến đổi khí hậu có thể hiệu quả nếu không có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này "đóng góp" gần một nửa tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhất thế giới hiện nay, đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là sẽ trung hòa carbon vào năm 2060.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự phụ thuộc nhiều vào than đá và các mục tiêu ngắn hạn còn khiêm tốn của Trung Quốc có thể khiến nước này không thể đạt được tham vọng trên./.