Chủ tịch Vietnam Airlines nói gì về tái cơ cấu Pacific Airlines?

Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.
Pacific Airlines đang đối mặt với dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Pacific Airlines đang đối mặt với dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào sáng 28/6, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết đến thời điểm hiện tại, tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Thực hiện chủ trương đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt, Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.

Trong giai đoạn này, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines.

“Hiện tại, quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý,” ông Hòa cho hay.

[Vietnam Airlines tái cơ cấu toàn diện, chờ cơ hội mở cửa bầu trời]

Bổ sung thêm, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho rằng hãng bay Pacific Airlines vẫn đang thực hiện các giải pháp tài chính, xem xét giá trị công ty nhưng hiện vướng mắc chuyển nhượng vốn với các doanh nghiệp cổ phần chi phối vốn Nhà nước.

Vietnam Airlines đã làm việc với các cơ quan liên quan và nhà đầu tư tiềm năng như lựa chọn nhà đầu tư thế nào để có thể bán riêng lẻ hay đấu thầu công khai công bố rộng rãi ra công chúng. Khi đi vào cụ thể, từng văn bản quy phạm pháp luật đều vướng do Pacific lỗ lũy kế nên việc chuyển khoản lỗ này vướng các quy chế và quy trình thực hiện.

“Vietnam Airlines báo cáo các cấp có thẩm quyền để vận dụng quy định Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch, tuân thủ pháp luật đảm bảo hài hòa Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán,” vị Kế toán trưởng Vietnam Airlines nói.

Hãng hàng không Pacific Airlines được thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines. Đến năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuyển giao 68% vốn tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.

Đến tháng 7/2020, Jetstar Pacific trở về tên khai sinh Pacific Airlines.

Tháng 10/2020, Qantas Group thực hiện các thủ tục rút khỏi liên danh tại Pacific Airlines và chuyển giao lại 30% cổ phần của Qantas tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines theo hình thức tặng lại.

Quý 1/2022, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Qantas Asia Investment Company (Singapore) Pre Limited tại PA tặng cho tổng công ty để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn. Như vậy Vietnam Airlines đang nắm giữ khoảng 98% cổ phần tại Pacific Airlines./.

Trước khi thoái vốn Pacific Airlines, Vietnam Airlines đã thoái 35% vốn khỏi Cambodia Angkor Air (K6) - hãng hàng không quốc gia của Campuchia, do Vietnam Airlines góp 49% vốn. Vì vậy, Cambodia Angkor Air là công ty liên kết của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Vietnam Airlines đã nhận các khoản tiền lần lượt là 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp của hãng tại Cambodia Angkor Air.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục