Bộ GTVT tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để rút ngắn tiến độ dự án

Bộ Giao thông Vận tải theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giao thông giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.

Nhà thầu thi công thảm nhựa nền đường một Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công thảm nhựa nền đường một Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, các dự án của Bộ Giao thông Vận tải đang được chủ đầu tư/ban quản lý dự án tăng tốc thi công, thậm chí có thể “bơm” vốn để rút ngắn tiến độ công trình.

Tăng tốc giải ngân dự án cao tốc

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được khoảng 27.500/62.600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đạt 44% kế hoạch được giao.

Cụ thể, các dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm giải ngân 22.018/45.000 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm. Trong đó, cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 giải ngân gần 2.700 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 giải ngân 16.765 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, phù hợp với tiến độ yêu cầu.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 8.680 tỷ đồng bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó chủ yếu bổ sung cho các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 là 6.300 tỷ đồng để tiếp tục triển khai. Các bộ đang hoàn chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được bố trí trong tháng 8/2024.

Nếu tính cả nguồn tăng thu ngân sách Trung ương được phân bổ thêm, tổng kế hoạch vốn Bộ Giao thông Vận tải được giao năm nay là 71.280 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ cho biết với 70 mũi thi công đang được tổ chức triển khai, sản lượng thực hiện của dự án đến nay đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng. Sản lượng giải ngân hàng tháng bình quân đạt khoảng 230 tỷ đồng/tháng, gấp 1,4 lần so với kế hoạch.

“Dự kiến, đến hết năm 2024, dự án sẽ giải ngân khoảng 2.375 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch vốn đăng ký. Sản lượng thi công toàn dự án sẽ đạt khoảng 65-70% giá trị hợp đồng,” ông Quý nói.

Ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư Dự án cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang (gồm 2 dự án thành phần là Hậu Giang-Cần Thơ và Cần Thơ-Cà Mau) thông tin, hiện sản lượng thi công dự án là 6.432 tỷ đồng, đạt hơn 34% giá trị hợp đồng.

Theo kế hoạch năm 2024, dự án phải giải ngân gần 5.000 tỷ đồng. Đến nay, giải ngân đạt 2.416 tỷ đồng, đạt khoảng 48% kế hoạch. Ngoài khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho 2 dự án thành phần này, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu rốt ráo huy động thêm nhân lực, thiết bị để tăng tốc các hạng mục khác để đảm bảo tiến độ.

duc-dam-cau-cao-toc-02012024-700.jpg
Nhà thầu thi công hạng mục dầm cầu trên tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Hậu Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với hai dự án cao tốc qua Quảng Bình gồm đoạn Vũng Áng-Bùng sản lượng đạt hơn 58%, vượt gần 3% so với kế hoạch; đoạn Bùng-Vạn Ninh cũng đang bám sát kế hoạch, sản lượng đạt hơn 51%, theo ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, sản lượng giải ngân của đơn vị đạt gần 64%, vượt 7% so với kế hoạch đăng ký.

Tiết lộ hai dự án cao tốc Vũng Áng-Bùng và Bùng-Vạn Ninh tiếp tục đăng ký bổ sung vốn lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, ông Hải cho hay ban quản lý dự án, nhà thầu đang tăng tốc thi công nhằm đáp ứng yêu cầu thông xe toàn tuyến từ Bãi Vọt đến Vạn Ninh vào 30/4/2025.

Là chủ đầu tư hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 khác là Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng có sản lượng đạt trên 50% giá trị hợp đồng, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long đã đăng ký bổ sung 1.200 tỷ đồng vốn để giải ngân cho dự án nhằm mục tiêu đưa dự án về đích dịp 30/4/2025.

Điều hòa và “bơm” vốn giải ngân cho dự án làm nhanh

Đảm bảo tiến độ giải ngân trong năm, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định. Hiện, khối lượng giải ngân các Dự án cao tốc Bắc-Nam tương đối cao nhưng chủ yếu tập trung vào các công trình trên tuyến (cầu, hầm), khối lượng thi công nền đường còn tương đối nhiều.

Trong điều kiện mùa mưa sắp đến, các chủ đầu tư cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công nền đường để bảo đảm tiến độ tổng thể hoàn thành của dự án.

Để giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2024, thời gian qua, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đã tham mưu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước bộ về tiến độ.

“Công tác theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân," lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư nói.

bo truong Nguyen Van Thang.JPG
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án/chủ đầu tư phải tích cực giải ngân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban quản lý dự án/chủ đầu tư phải tích cực giải ngân hết. Trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan, các đơn vị phải kịp thời báo cáo để điều hòa sang các dự án đang triển khai.

Quả quyết các Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 phải giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh các ban có khả năng đẩy nhanh tiến độ phải bổ sung đăng ký theo nhu cầu, quan điểm của bộ là không hạn chế khối lượng đăng ký.

Bộ trưởng cũng lưu ý một số ban quản lý dự án có nhu cầu vốn cần sớm trình vụ chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải theo thẩm quyền để thực hiện điều hòa ngay, tạo điều kiện cho nhà thầu yên tâm thi công.

“Các ban quản lý dự án phải đảm bảo giải ngân tối đa gắn với khối lượng thi công, phải làm tốt công tác nội nghiệp. Trên cơ sở vốn được giao thêm sẽ nghiên cứu bổ sung thêm cho các ban quản lý dự án để tăng trách nhiệm trong thi công, triển khai dự án,” người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải nói rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục