Chuẩn bị hạ tầng cho thị trường điện cạnh tranh

Theo đề xuất giá bán điện cơ sở hàng năm từ 5% trở xuống sẽ do Bộ Công thương phê duyệt và trên 5% sẽ do Thủ tướng phê duyệt.
Tại hội thảo về thị trường phát điện cạnh tranh do Bộ Công thương tổ chức sáng nay, 18/8, Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Hữu Hào cho rằng, các công ty phát điện cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lực nếu không muốn loại khỏi cuộc chơi khi thị trường này sẽ chính thức vận hành vào năm 2011.

Đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cũng cho thấy, việc đưa cạnh tranh vào hoạt động điện lực, trước mắt là khâu phát điện sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện.

Bên cạnh đó, việc ổn định giá điện nói chung, đặc biệt là ổn định giá của khâu phát điện sẽ giảm được áp lực tăng giá điện, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động điện lực và thu hút được đầu tư vào phát triển các nguồn điện.

Ông Trần Tuệ Quang, Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, giá bán lẻ điện thấp không phản ánh kịp thời chi phí và chỉ có một khung giá bán nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và thị trường điện.

Do vậy, khi thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh tăng giảm định kỳ hàng năm và hàng quý. Cụ thể, Cục này đề xuất giá bán điện bình quân cơ sở hàng năm từ 5% trở xuống sẽ do Bộ Công thương phê duyệt và trên 5% sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hàng quý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét lại biến động của các yếu tố đầu vào so với thông số cơ sở, điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân quý. Các yếu tố đầu vào được xem xét mức chênh lệch của nguyên liệu đầu vào bao gồm giá than, khí, điện và tỷ giá ngoại tệ.

Tuy nhiên, để giá điện không biến động nhiều làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người tiêu dùng và các hộ dùng điện, kéo theo sư gia tăng của các hàng hóa khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường kiểm soát chặt các khâu truyền tải và phân phối điện.

Ông Trần Hữu Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng chia sẻ, việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh mới chỉ tạo sức ép buộc các nhà phát điện phải cạnh tranh, trong khí chưa có ràng buộc nào với các công ty truyền tải và công ty phân phối điện để tránh thất thoát.

Ngoài ra, đại diện Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa cũng cho rằng, công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện chạy khí phụ thuộc lớn vào nhà cung cấp khí, nếu gián đoạn do yếu tố kỹ thuật thì công ty sẽ không đảm bảo sản lượng điện theo yêu cầu.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực chỉ ra rằng, công suất phát điện phụ thuộc vào tính toán của khí đưa vào vận hành và cần có hợp đồng ràng buộc về cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện.
 
Ngoài ra, ông Thắng cũng chia sẻ, chi phí phát điện hiện chiếm cao nhất (theo giá bán lẻ điện năm 2010 thì chi phí phát điện chiếm 72%) còn khâu truyền tải và phân phối mang tính độc quyền tự nhiên nên không thể xây dựng nhiều khâu truyền tải hoặc nhiều hệ thống phân phối điện để cùng bán cho một khách hàng được.

“Kinh nghiệm trên thế giới hiện nay, chỉ có cạnh tranh ở khâu phát điện, bán buôn và bán lẻ, chứ không cạnh tranh ở phân phối hay truyền tải,” ông Thắng nói./.
Theo nguyên tắc hoạt động của thị trường điện, tất cả các công ty phát điện sở hữu các nhà máy điện có tổng công suất lớn hơn 30MW bắt buộc phải tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Các nhà máy điện BOT hiện hành và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu không trực tiếp tham gia thị trường, công ty mua bán điện sẽ chào giá cho các nhà máy điện BOT và đơn vị vận hành thị trường điện và hệ thống điện sẽ công bố sản lượng hàng giờ cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.

Trong năm đầu tiên triển khai thị trường điện, tỷ trọng điện năng bán qua hợp đồng mua bán điện được đặt ở mức 90-95% tổng điện năng công ty phát điện sản xuất ra, phần còn lại được bán qua thị trường giao ngay.

Tỷ trọng bán qua hợp đồng mua bán điện sẽ giảm dần trong các năm tiếp theo nhằm tăng tính cạnh tranh trong khâu phát điện năng nhưng không được nhỏ hơn 60%.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục