Chứng khoán châu Á giảm điểm do diễn biến dịch tại Trung Quốc

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm khi ca tử vong đầu tiên trong sáu tháng do COVID-19 tại Trung Quốc gây lo ngại các quan chức nước này sẽ tái áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt.
Chứng khoán châu Á giảm điểm do diễn biến dịch tại Trung Quốc ảnh 1Biểu đồ chỉ số Nikkei 225 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Kyodo/TTXVN)

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 21/11, khi ca tử vong đầu tiên trong sáu tháng do COVID-19 tại Trung Quốc gây lo ngại các quan chức nước này sẽ tái áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt với những tác động kinh tế nhằm kiểm soát dịch.

Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,87%, hay 336,63 điểm, xuống 17.655,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,39%, hay 12,2 điểm, xuống 3.085,04 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,02%, hay 24,98 điểm, xuống 2.419,5 điểm.

Các thị trường Sydney, Singapore, Taipei, Mumbai, Jakarta và Manila cũng giảm điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 45,02 điểm, hay 0,16%, lên 27.944,79 điểm.

Thông tin về ca tử vong do COVID-19 đã gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư vốn đang hy vọng về việc Trung Quốc sẽ từng bước mở cửa sau khi nới lỏng một số các biện pháp kiểm soát dịch trong tháng này.

Cụ ông 87 tuổi tại Bắc Kinh tử vong vào ngày 20/11, khi số ca mắc tại Trung Quốc tăng, diễn biến cản trở các kế hoạch nới lỏng kiểm soát, với việc giảm thời gian cách ly với người nước ngoài và hủy bỏ xét nghiệm đại trà.

[Chứng khoán Mỹ trong tuần qua: Hai trong ba chỉ số giảm điểm]

Bắc Kinh trong những ngày gần đây đã cách ly một số người dân tại nhà và yêu cầu những người khác tới các trung tâm cách ly.

Sự chú ý của thị trường đang được hướng đến biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được công bố vào cuối tuần.

Các thị trường toàn cầu có được động lực trong tháng 11, nhờ dấu hiệu Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch và lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, điều đưa đến hy vọng Fed sẽ bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất.

Các chỉ số giá bán buôn và giá tiêu dùng thấp hơn dự kiến cho thấy nhiều tháng thắt chặt chính sách tiền tệ cuối cùng đã mang lại kết quả, cho phép Fed tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn.

Tuy nhiên, một số quan chức cảnh báo cần thêm những nỗ lực để đưa lạm phát từ các mức cao kỷ lục bốn thập niên xuống các mức hợp lý hơn.

Chốt phiên 21/11, tại Việt Nam, VN-Index giảm 6,86 điểm (0,9%) xuống 960,65 điểm, còn HNX-Index tăng 1,53 điểm (0,8%) lên 192,4 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục