Chứng khoán châu Á giảm do lo ngại mới về Eurozone

Chứng khoán châu Á đi xuống sau khi S&P hạ bậc xếp hạng của Tây Ban Nha làm bùng lên những lo ngại mới về khủng hoảng nợ Eurozone.
Tiếp nối đà bán tháo cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ phiên liền trước, chứng khoán châu Á đã đồng loạt đi xuống vào lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 11/10 sau khi Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) hạ bậc xếp hạng của Tây Ban Nha, làm bùng lên những lo ngại mới về cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực Eurozone.

Đóng cửa phiên 11/10, hầu như tất cả các thị trường châu Á đều giảm điểm, trong đó Shanghai Composite của Trung Quốc mất 0,81% (17,07 điểm) xuống 2.102,87 điểm; Nikkei 225 của Nhật Bản trượt 0,58% (49,45 điểm) về 8.545,78 điểm; S&P/ASX200 của Australia giảm 0,16% (7,2 điểm) xuống 4.483,5 điểm; KOSPI của Hàn Quốc tụt 15,13 điểm (0,78%) xuống 1.933,09điểm; Weighted của vùng lãnh thổ Đài Loan mất nặng 140,29 điểm (1,85%) về 7.451,72 điểm.

Duy chỉ có Hang Seng của Hong Kong là một mình đi ngược xu hướng chung của khu vực khi chốt phiên lại tăng được 0,38% (79,455 điểm) lên 20.999,05 điểm, cho dù trong phần lớn thời gian đỏ sàn.

Phiên này, các thị trường chứng khoán bị sức ép mạnh từ các yếu tố bất lợi như việc Tây Ban Nha bị hạ bậc tín dụng (hạ hai bậc xuống sát mức "bỏ đi"); bức tranh lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp Mỹ không sáng sủa như kỳ vọng và việc đồng yen lại mạnh lên tại Nhật Bản.

Nhà đầu tư hiện lại đang dồn chú ý vào cuộc họp vào cuối ngày của các Bộ trưởng Tài chính nhóm nước G7 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản). Tại cuộc họp này, các Bộ trưởng Tài chính G7 bàn thảo về sự tụt dốc của kinh tế thế giới cùng sự tiếp tục mạnh lên của đồng yen, nhân tố làm kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản.

S&P vào cuối ngày 10/10 cho biết đã hạ mức đánh giá tín dụng của Tây Ban Nha thêm hai bậc, xuống sát mức "bỏ đi," do suy thoái tiếp tục chìm sâu và hệ thống ngân hàng vẫn hết sức căng thẳng tại nước này.

Theo S&P, suy thoái kinh tế nghiêm trọng đang hạn chế những lựa chọn về chính sách của Chính phủ Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này hiện đã ở mức 25% và việc siết chặt chi tiêu đang lam gia tăng những căng thẳng và bất bình trong xã hội Tây Ban Nha.

Động thái mới nhất này của S&P càng làm gia tăng những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực Eurozone khi Madrid vẫn từ chối yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Đêm trước tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng nhuộm trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư thận trọng trước tuyên bố của hãng sản xuất nhôm lớn nhất thế giới Alcoa rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã làm tiêu thụ nhôm sụt giảm, trong khi hãng Chevron hạ thấp triển vọng lợi nhuận của hãng này.

Hai thông tin kém tích cực trên đã khiến các nhà đầu tư Phố Wall ít để ý đến bức tranh kinh tế Mỹ đã được cải thiện phần nào trong một khảo cứu mới đăng trong cuốn "Sách Be" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Đóng cửa phiên 10/10, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều thụt lùi, trong đó Dow Jones Industrial Average trượt 128,56 điểm (0,95%) xuống 13.344,97 điểm; S&P 500 lùi 8,92 điểm (0,62%) về 1.432,56 điểm và Nasdaq mất 13,24 điểm (0,43%) xuống 3.051,78 điểm.

Riêng tại chỉ số Dow Jones, hai cổ phiếu Alcoa và Chevron giảm lần lượt là 4,6% và 4,2%.

Chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng chịu chung số phận đi xuống khi mọi mối quan tâm của nhà đầu tư tập trung vào các ngành hàng không và quân sự của khu vực sau khi kế hoạch hợp nhất giữa Tập đo àn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu với tổ hợp quân sự Anh BAE Systems bị đổ vỡ.

Đóng cửa phiên 10/10, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh giảm 0,47% xuống 5.782,95 điểm; DAX 30 của Đức trượt 0,30% về 7.212,71 điểm và CAC 40 của Paris mất 0,39% xuống 3.369,69 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục