Chứng khoán châu Á vẫn tiếp tục duy trì "sắc xanh"

Đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch đầu tuần vẫn tiếp tục được duy trì trong ngày giao dịch 3/9.
Đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch đầu tuần vẫn tiếp tục được duy trì trong ngày giao dịch 3/9, nhờ diễn biến tích cực từ các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu trong phiên trước, sau khi giới đầu tư vừa hoan hỉ đón nhận một loạt báo cáo kinh tế tích cực từ Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Mở cửa phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 175,76 điểm (1,29%), lên 13.748,68 điểm. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã công bố báo cáo cho hay đầu tư vốn của các doanh nghiệp nước này trong quý 2/2013 đã tăng 2,9% so với quý 1 và tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2012.

Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng ba quý liên tiếp, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận mức tăng, cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang từng bước phục hồi đúng hướng, đồng thời cũng khiến Chính phủ nước này xem xét điều chỉnh nâng số liệu về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 từ mức 2,6% lên khoảng 3-4%.

Giới phân tích nhận định rằng, nếu mức tăng trưởng GDP của Nhật Bản được điều chỉnh tăng thì sẽ càng tạo động lực cho chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục theo đuổi kế hoạch nâng thuế tiêu dùng từ mức 5% hiện tại lên 8% nhằm củng cố "sức khỏe" của nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, Hiroichi Nishi, chuyên gia phân tích chứng khoán hàng đầu của SMBC Nikko Securities, cho rằng bất chấp những tín hiệu cải thiện của nền kinh tế Nhật Bản, giới đầu tư vẫn đang tỏ ra thận trọng trước mọi quyết định kinh doanh, trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng trong tuần này, bao gồm việc Mỹ công bố báo cáo về thị trường việc làm, cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Nga.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều mở đầu phiên giao dịch 3/9 trong "sắc xanh," sau khi kinh tế Trung Quốc vừa xuất hiện thêm một vài tín hiệu sáng, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sắp bước qua giai đoạn tăng trưởng trì trệ, vốn kéo dài trong cả quý 1 và quý 2/2013.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc, chỉ số quản lý sức mua (PMI) - thước đo hoạt động chế tạo của nước này - đã tăng lên mức 51 trong tháng 8/2013 so với mức tương ứng 50,3 của tháng Bảy. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, PMI của Trung Quốc gia tăng so với tháng trước đó và là mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua. Mở cửa, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 147,66 điểm (0,64%) và 0,18 điểm, lên 22.323 điểm và 2.098,63 điểm.

Đêm trước (ngày 2/9) khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ lao động hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt lên điểm, nhờ các số liệu đáng khích lệ từ kinh tế Eurozone và những lo ngại xung quanh kế hoạch tấn công quân sự vào Syria của Mỹ cùng một số nước đồng minh phương Tây lắng xuống.

Theo báo cáo mới nhất, hoạt động sản xuất của Eurozone trong tháng 8/2013 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 26 tháng qua, khi chỉ số PMI tăng từ mức 50,3 của tháng Bảy lên 51,4. Điều này càng chứng tỏ liên minh tiền tệ châu Âu này đang dần thoát khỏi hố sâu suy thoái và đang nỗ lực phục hồi.

Chốt phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,45%, lên 6.506,19 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tiến 1,84%, lên 4.006,01 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng ghi thêm 1,74%, đóng cửa ở mức 8.243,87 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục