Chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương tiếp tục lún sâu

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ mất điểm do thông tin không lạc quan từ kinh tế Mỹ và viễn cảnh “u ám” từ cơn bão nợ Eurozone.
Giá cổ phiếu của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã bật tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 31/5 sau nhiều ngày tụt dốc liên tiếp do những nghi ngại của giới đầu tư về giá trị thực của mã cổ phiếu này.

Tuy nhiên, thông tin trên không đủ mạnh để giúp thị trường chứng khoán Phố Wall đảo chiều đi lên sau phiên giảm điểm mạnh vào hôm trước, do một loạt số liệu kinh tế và việc làm đáng thất vọng của Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 26,41 điểm, tương đương 0,21%, xuống còn 12.393,45 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 2,99 điểm (0,23%), xuống 1.310,33 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 10,02 điểm (0,35%), đóng cửa ở mức 2.827,34 điểm.

Giữa lúc các thị trường đang bị bao phủ bởi tình hình kinh tế ảm đạm của thế giới và cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giá cổ phiếu của Facebook lại phục hồi nhanh sau khi sụt giảm 4,5% vào đầu phiên và chốt lại với mức tăng 1,41 USD/cổ phiếu, lên 29,60 USD/cổ phiếu.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục giảm sâu, ngay khi Bộ Thương mại nước này công bố số liệu điều chỉnh cho thấy, tăng trưởng GDP của nền kinh tế số một thế giới trong quý 1/2012 chỉ đạt 1,9%, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là 2,2%.

Trong khi đó, theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số điều kiện kinh doanh tại khu vực Chicago (Mỹ) trong tháng Năm vừa qua cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.

Ngoài ra, báo cáo mới nhất về tình hình việc làm của nước Mỹ cũng khiến giới đầu tư phải “đau đầu,” khi mà hoạt động tuyển dụng việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ hiện mới chỉ cải thiện nhẹ và số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp đã tăng tới tuần thứ bảy trong vòng tám tuần qua.

Những thông tin tiêu cực nói trên của kinh tế Mỹ đã khiến các nhà đầu tư cổ phiếu tỏ ra thận trọng hơn, trước khi báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ được công bố vào ngày 1/6, đồng thời lại làm dấy lên các cuộc bàn luận về gói kích thích kinh tế (QE3) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nguyên nhân đẩy các chỉ số chứng khoán Phố Wall chìm sâu vào “sắc đỏ.”

Mặc dù vậy, các kế hoạch hỗ trợ hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha của Chính phủ nước này đã giúp hạn chế phần nào đà giảm mạnh của thị trường cổ phiếu Mỹ.

Cũng trong phiên giao dịch 31/5, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt mất điểm, do những thông tin không mấy lạc quan từ kinh tế Mỹ và viễn cảnh “u ám” từ cơn bão nợ của Eurozone.

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,18%, xuống 5.306,95 điểm. Chỉ số DAX 30 của Đức hạ 0,26%, chốt ở mức 6.264,38 điểm. Tuy nhiên, chỉ số CAC 40 của Pháp lại “nhích” không đáng kể 0,05%, lên 3.017,01 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 1/6, các thị trường chứng khoán châu Á lại biến động bất nhất, trước diễn biến bất ổn của kinh tế hai bờ Đại Tây Dương.

Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 77,26 điểm (0,90%), xuống 8.465,47 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng hạ 106,56 điểm (0,57%), xuống 18.522,96 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai của Thượng Hải lại tăng nhẹ 6,67 điểm (0,28%), lên 2.378,90 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục