Chứng khoán Mỹ, châu Âu đỏ sàn theo chứng khoán Trung Quốc

Chốt phiên 71, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 392,41 điểm (2,32%) xuống chốt phiên ở 16.514,10 điểm.
Chứng khoán Mỹ, châu Âu đỏ sàn theo chứng khoán Trung Quốc ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 7/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiếp theo phiên “sập sàn” sớm của chứng khoán Trung Quốc hôm trước, chứng khoán Mỹ phiên đêm qua (7/1) cũng lao dốc theo khi nhà đầu tư dường như không thể trấn tĩnh được trước những lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo cổ phiếu khác trên các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Đóng cửa phiên 7/1, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều giảm điểm mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 392,41 điểm (2,32%) xuống chốt phiên ở 16.514,10 điểm; S&P 500 mất 47,17 điểm (2,37%) xuống 1.943,09 điểm và Nasdaq Composite sụt 146,34 điểm (3,03%) về 4.689,43 điểm.

Trước đó, trong phiên cùng ngày (7/1) tại Trung Quốc, mới chỉ ít phút sau khi mở cửa phiên, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã phải tạm ngừng giao dịch 15 phút khi cơ chế "tự động ngừng giao dịch" được kích hoạt do chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm hơn 5% và chỉ số Shenzhen Composite giảm tới 6,77%.

Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại, các chỉ số này tiếp tục "lao dốc" và đồng loạt để mất hơn 7%, khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa sớm trong phiên này. Như vậy là chỉ trong vòng bốn ngày, giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có tới hai lần bị buộc phải ngừng sớm theo cơ chế "tự động ngừng giao dịch."

Theo giới phân tích, những diễn biến bất thường và đáng lo ngại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đang khiến nhà đầu tư trên toàn cầu bất an. Họ bán đi cổ phiếu do lo ngại tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi hơn nữa. Thêm vào đó, thị trường còn chao đảo hơn khi giá dầu cũng tiếp tục lao dốc, với giá dầu ngọt nhẹ Mỹ chạm mức thấp nhất trong 12 năm trong phiên 7/1.

Báo cáo về tình hình việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào ngày hôm nay (theo giờ Mỹ) và giới phân tích kỳ vọng thị trường có thể sẽ được trấn an phần nào nếu đó là một báo cáo tích cực. Song nếu ngược lại, cơn hoảng loạn có thể sẽ bùng thêm.

Trong phiên giao dịch ngày 7/1, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại tốc độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Chốt phiên này, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) giảm 2% xuống 5.954,08 điểm; chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 1,7% xuống 4.403,58 điểm; còn chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) giảm 2,3% xuống 9.979,85 điểm.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cảnh báo nền kinh tế nước này đang đối mặt với "sự pha trộn" của những mối đe dọa mới trong năm 2016.

Theo ông Osborne, chỉ mới bảy ngày đầu Năm mới, song Chính phủ Anh thực sự lo ngại về tình trạng lao dốc trên các thị trường chứng khoán toàn cầu, xu hướng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và những vấn đề nghiêm trọng tại Brazil và Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục