Chứng khoán Mỹ phân hóa trái chiều trước những số liệu kinh tế

Trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq vẫn đi lên thì hai chỉ số chủ chốt khác lại giảm điểm, lùi ra xa hơn các kỷ lục cao liên tiếp trong một tuần trước đó.
Chứng khoán Mỹ phân hóa trái chiều trước những số liệu kinh tế ảnh 1Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những số liệu kinh tế tốt xấu đan xen trong tuần qua cũng khiến thị trường chứng khoán Mỹ phân hóa trái chiều: trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq vẫn đi lên thì hai chỉ số chủ chốt khác lại giảm điểm, lùi ra xa hơn các kỷ lục cao liên tiếp được lập trong một tuần trước đó.

Khép lại tuần, chỉ số Dow Jones Industrial Average tuột 95,24 điểm (-0,56%) xuống chốt tuần ở mức 16.851,84 điểm; S&P 500 lùi 1,91 điểm (-0,10%) về 1.960,96 điểm.

Cả hai chỉ số này trước đó một tuần đều chốt tuần ở mức đỉnh cao kỷ lục. Riêng Nasdaq Composite lại ngược chiều, tăng được 29,89 điểm (+0,68%) lên chốt tuần ở 4.397,93 điểm. Chỉ số này giữ được sức tăng một phần là nhờ vụ IPO (phát hành cổ phiều lần đầu ra công chúng) đình đám và hết sức thành công của nhà chế tạo máy quay video GoPro.

Các nhà phân tích cho rằng thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn nằm trong xu hướng tiếp tục đi lên, do niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi và tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế, cùng những lo ngại đã phần nào dịu đi về Iraq.

Thông tin kinh tế xấu nhất trong tuần qua là tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 1 đã suy giảm 2,9%, tệ hơn nhiều so với dự báo trước đó là -1,0% và là quý có mức sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, dù khá bất ngờ trước mức độ suy giảm mạnh đến như vậy, song nhà đầu tư lại không có những phản ứng thái quá vì nguyên nhân của sự suy giảm này được cho chủ yếu là do mùa Đông khắc nghiệt bất thường đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế trong quý đầu năm nay. Một thông tin xấu khác tác động không tốt tới thị trường là chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ - chiếm hơn 2/3 các hoạt động kinh tế của nước này - trong tháng Năm chỉ tăng có 0,2% sau khi đứng nguyên ở tháng Tư trước đó.

Bù lại, thị trường cũng được đón nhận một số thông tin khả quan khác, trong đó có doanh số bán nhà mới trong tháng Năm đạt mức cao kỷ lục trong sáu năm và niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng Sáu cũng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&B) các doanh nghiệp trong tuần cũng diễn ra khá sôi động, tác động tích cực phần nào tới thị trường.

Trong tuần tới, nhà đầu tư Phố Wall sẽ được đón nhận một loạt số liệu kinh tế quan trọng, trong đó có các chỉ số hoạt động công nghiệp và dịch vụ, thâm hụt thương mại và chi tiêu trong ngành xây dựng. Ngoài ra, một thông tin được thị trường hết sức quan tâm là báo cáo về thị trường việc làm trong tháng Sáu (sẽ được công bố vào sáng 3/7, một ngày trước ngày nghỉ Lễ Độc lập (4/7) của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục