Chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ 8 liên tiếp

Chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp trong bối cảnh xuất hiện nhiều tín hiệu hồi phục nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Chứng khoán Mỹ đã hồi phục và có phiên tăng điểm thứ 8 trong ngày 27/8 khi các số liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang trên đường thoát ra khỏi cuộc suy thoái, cho dù thị trường lao động chỉ mới cải thiện khiêm tốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/8, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều quay đầu tăng điểm. Dow Jones phục hồi lên 9.580,63 điểm khi ghi thêm 37,11 điểm (0,39%), đánh dấu chuỗi tăng điểm thứ 8 liên tiếp và cũng là đợt tăng điểm dài ngày nhất của chỉ số này trong 28 tháng qua. Nasdaq leo lên 2.027,73 điểm (+ 3,30 điểm và + 0,16%), trong khi Standard & Poor's 500 có thêm 2,86 điểm (0,28%) lên 1.030,98 điểm.

Vào phiên buổi sáng, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm, tuy nhiên, sang đến phiên chiều, sự lạc quan đã phần nào trở lại khi đồng USD đột ngột giảm mạnh, đẩy giá dầu và chứng khoán tăng lên.

Hỗ trợ cho tâm lý lạc quan này là công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của Mỹ trong quý II chỉ giảm 1,0%, thấp hơn so với mức dự báo giảm 1,5% của các chuyên gia.

Ngoài ra, trong một thông báo riêng rẽ khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng người thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 22/8 cũng đã giảm xuống còn 570.000 người so với con số 580.000 người của tuần trước đó.

Tâm lý thị trường còn được nâng cao do sự thành công từ cuộc đấu thầu 28 tỷ USD trái phiếu chính phủ thời hạn 7 năm. Đây là đợt cuối cùng trong tuần này của Chính phủ Mỹ với những kết quả đều tốt hơn dự kiến.

Trong khi đó, tại châu Âu, phiên giao dịch ngày 27/8 đánh dấu sự tiếp tục đi xuống của phần lớn các thị trường chủ chốt trong khu vực, chủ yếu do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng.

Chỉ số FTSE 100 của London để mất 0,44% xuống 4.869,35 điểm, CAC 40 của Paris giảm 0,54% xuống 3.648,53 điểm và DAX của Đức tụt 0,94% xuống còn 5.470,33 điểm. Chỉ số DJ Euro Stoxx 50 (bao gồm các cổ phiếu hàng đầu của khu vực eurozone) đóng cửa cũng giảm 0,40% xuống 2.777,4 điểm.

Các nhà phân tích cho rằng, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm trên thị trường và các nhà đầu tư đang tạm thời đứng ngoài quan sát xem thị trường cổ phiếu đã thực sự phục hồi một cách ổn định chưa hay vẫn chỉ là những đợt tăng ngắn để ra các quyết định đầu tư của họ.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/8, các thị trường châu Á tuy biến động không đồng nhất, nhưng các sàn chủ chốt trong khu vực đều quay đầu tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là Weighted của Đài Loan khi chỉ số này ghi thêm được 119,11 điểm (1,78%) lên 6.809,86 điểm.

Tại Nhật Bản, tâm lý hứng khởi từ phiên tăng điểm hôm trước trên thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến các nhà đầu tư Nhật Bản quên đi tin xấu về tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã leo lên mức cao kỷ lục mới, để đưa chỉ số Nikkei-225 tiến thêm 0,57% (60,17 điểm) lên 10.534,14 điểm. KOSPI của Hàn Quốc cũng nhích nhẹ 0,54% (8,61 điểm) lên 1.607,94 điểm. Các thị trường khác như New Zealand, Australia...đều ghi điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, nỗi lo về sự dư thừa nguồn cung cổ phiếu do một loạt các công ty lớn của nước này gần đây tuyên bố sẽ phát hành thêm cổ phiếu, đã khiến chỉ số Shanghai Composite giảm mạnh và thị trường này chứng kiến tuần mất điểm thứ tư liên tiếp.

Dẫn đầu về sự đi xuống trong phiên này là các cổ phiếu ngành ngân hàng sau khi có những báo cáo cho biết tỷ lệ cho vay của các ngân hàng nước này trong tháng 8 có thể giảm mạnh, cắt đi nguồn cung cấp tín dụng cho thị trường chứng khoán.

Đóng cửa phiên, Shanghai Composite Index giảm mạnh 2,91% (85,71 điểm) xuống 2.860,69 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số này để mất 3,38%.

Tại Hongkong, theo đà giảm của chứng khoán Trung Quốc Đại lục, chỉ số Hang Seng cũng giảm 144,13 điểm (0,71%) xuống 20.098,62 điểm./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục