Chứng khoán phiên 11/3: Cổ phiếu ngành gỗ đồng loạt tím trần

Trong phiên giao dịch hôm nay 11/3, hầu hết các nhóm cổ phiếu chủ chốt trên thị trường giảm giá, nhưng cổ phiếu ngành gỗ bất ngờ “lội ngược dòng” khi đồng loạt tăng lên giá trần.
Chứng khoán phiên 11/3: Cổ phiếu ngành gỗ đồng loạt tím trần ảnh 1Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trong phiên giao dịch hôm nay 11/3, hầu hết các nhóm cổ phiếu chủ chốt trên thị trường giảm giá, nhưng cổ phiếu ngành gỗ bất ngờ “lội ngược dòng” khi đồng loạt tăng lên giá trần.

Các mã GDT, GTA, TTF kết phiên trong sắc tím, SAV cũng tăng 3,4%. Thực tế, dù cổ phiếu tăng giá mạnh, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ có thể làm nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga bị co hẹp, điều này tạo ra sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu trong tương lai.

Một phần của sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng việc gia tăng nguồn cung hiện tại từ EU và Hoa Kỳ nơi có các loài gỗ tương đồng với các loài từ Nga. Tuy nhiên, việc thiếu hụt về lượng cung có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu; trong đó có Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga cho Việt Nam nhỏ. Việc suy giảm nguồn này trong tương lai sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể tới nguồn cung gỗ cho Việt Nam.

Nga cũng không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam và sự co giảm thị trường này trong tương lai cũng sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho ngành. 

[Doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 56% giá trị phát hành trái phiếu]

Tuy nhiên, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động mạnh. Bởi Việt Nam là một quốc gia cũng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập từ 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, ông Tô Xuân Phúc nhận định.

Một số tác động có thể là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ.

Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế. Nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới về đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga.

Bên cạnh nhóm ngành gỗ, cổ phiếu hóa chất, phân bón cũng diễn biến tích cực. Các mã DAG, HSI, NSG RDP, VNY tăng trần. Các cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất phân đạm như DPM tăng 3,9% và DCM  tăng 3,7%. Sắc xanh chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngành thủy sản. Cùng đó, nhóm cổ phiếu xi măng tăng khá mạnh, thậm chí HT1 và BTS tăng lên giá trần.

Dù vậy, các nhóm ngành tăng mạnh trong hôm nay chỉ chiếm tỷ trọng vốn hóa nhỏ trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các nhóm trụ cột trên thị trường đồng loạt giảm sâu, hoặc diễn biến phân hóa. Chính điều này đã đẩy chỉ số VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu.

Các mã cổ phiếu trụ cột của thị trường như MSN giảm 5%, GAS giảm 4,7%, PNJ giảm 3,5%, POW giảm 2,7%, SAB giảm 1,9%... Bên cạnh đó, bộ ba cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM, VRE cũng đồng loạt giảm giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí chìm trong sắc đỏ, với BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVD, PVE, PVS có mức giảm rất sâu, từ 1,9-13,6%. Đặc biệt, PVB và PVC giảm hết biên độ xuống giá sàn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, thép đồng loạt giảm giá. Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán chỉ còn vài mã tăng như: VND, EVS, DSC, BSI. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.

Điểm tiêu cực nữa là khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, khối này bán ròng hơn 545 tỷ đồng trên HOSE, trong khi chỉ mua ròng hơn 24 tỷ đồng trên UPCOM và 1,35 tỷ đồng trên HNX.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/3, VN-Index giảm 12,54 điểm xuống 1.466,54 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 878,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 27.654,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 326 mã giảm giá và 37 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 5,44 điểm xuống 442,2 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 175,1 triệu đơn vị, tương ứng gần 4.461 tỷ đồng. Toàn sàn có 95 mã tăng giá, 175 mã giảm giá và 48 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng nhẹ 0,08 điểm lên 115,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 161 triệu đơn vị, tương ứng trên 2.539,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 206 mã tăng giá, 221 mã giảm giá và 206 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục