Giá dầu tăng cao nhất trong nhiều năm được cho là nguyên nhân giúp cổ phiếu dầu khí tiếp tục bứt phá trong sáng nay.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí còn duy nhất mã PVT ở chiều giá đỏ. Các mã trụ cột trong nhóm như PLX, BSR, OIL, PVB, PVC, PVD, PVS đều có mức tăng rất mạnh.
Sáng 18/10, giá dầu tại thị trường châu Á lên mức cao nhất trong nhiều năm khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, vào lúc 8 giờ 11 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1% lên 85,73 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, còn giá ngọt nhẹ New York tăng 1,4% lên 83,40 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014. Cả hai mặt hàng này đều tăng ít nhất 3% trong tuần trước.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định việc nới lỏng các chính sách hạn chế trên toàn thế giới có thể sẽ giúp phục hồi hoạt động tiêu thụ nhiên liệu.
[Chứng khoán tuần từ 18-22/10: Xu hướng tăng điểm vẫn chưa thay đổi]
Thị trường nhiên liệu máy bay cũng trở nên sôi động hơn trước thông tin Mỹ sẽ mở cửa biên giới cho khách du lịch nước ngoài đã được tiêm phòng vào tháng tới. Australia và các nước châu Á khác cũng có biện pháp tương tự.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ sử dụng khí đốt sang dầu mỏ để sản xuất điện cũng có thể thúc đẩy nhu cầu tăng thêm 450.000 thùng dầu/ngày trong quý IV/2021.
Sáng nay, rổ cổ phiếu VN30 có tới 19 mã tăng giá, trong khi chỉ có 9 mã giảm giá và 2 mã đứng ở mốc tham chiếu. Các mã tăng giá như VHM, VRE, PDR, FPT, KDH, GVR. Đặc biệt, GAS có mức tăng mạnh tới 5,8%. Đây là động lực chính giúp VN-Index duy trì sắc xanh suốt phiên sáng.
Sự tích cực cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, các mã như: VPB, TCB, TPB, STB, BID, HDB, KLB... ở chiều tăng giá.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn ra sự phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều giảm giá có SHS, SSI, MBS, PSI, FTS..., trong khi đó, VCI, VND, HCM, VDS... ở chiều tăng giá.
Khối ngoại sáng nay vẫn bán ròng khá mạnh. Theo đó, khối này bán ròng 261,55 tỷ đồng trên HOSE và 10,88 tỷ trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 1,75 tỷ đồng trên HNX.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực ngay khi mở cửa phiên sáng, VN- Index đã có thời điểm vượt mốc 1.400 điểm, nhưng sau đó quay đầu giảm xuống sát mốc này.
Cuối phiên sáng, VN-Index tăng 7,27 điểm lên 1.399,97 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 422,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 12.482 tỷ đồng. Toàn sàn có 200 mã tăng giá, 197 mã giảm giá và 63 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,94 điểm lên 386,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 69,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.611,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 93 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 150 mã đứng giá.
UPCOM- Index giảm 0,02 điểm xuống 99,42 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 67,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.261 tỷ đồng. Toàn sàn có 138 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 638 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trong bối cảnh các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên sáng 18/10, khi nhà giao dịch chờ số liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III/2021, trong lúc lo ngại về tình hình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù các doanh nghiệp Mỹ báo cáo lợi nhuận quý khả quan.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3%, xuống 28.987,66 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,6%, xuống 25.171,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,8%, xuống 3.543,77 điểm./.