Chuỗi cung ứng an toàn: Lời giải ngành nông nghiệp Việt

Chuỗi cung ứng an toàn: Lời giải cho ngành nông nghiệp Việt

Thất thoát trong chế biến nông sản sau thu hoạch tại Việt Nam đang quá lớn, chiếm khoảng 30% tổng giá trị. Vấn đề này là khó khăn chung của cả ngành và các rủi ro xuất phát từ nhiều yếu tố.
Chuỗi cung ứng an toàn: Lời giải cho ngành nông nghiệp Việt ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Giải cứu,” thuật ngữ rất quen thuộc, được sử dụng liên tục và lặp đi lặp lại trong ngành nông nghiệp mỗi khi người nông dân trúng mùa vụ hay khi nhà sản xuất ồ ạt cung ứng một loại sản phẩm, hàng hóa ra thị trường.

Về vấn đề này, tiến sỹ Lục Thu Hường, Trường đại học Thương mại nhấn mạnh, “những hoạt động cứu trợ cho nông sản chỉ là giải pháp nhất thời, không có tính lâu dài. Tuy nhiên, việc kêu gọi giải cứu đã tạo nên một sự nhận thức nhất định về những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải.”

Theo bà Hường, thất thoát trong chế biến nông sản sau thu hoạch tại Việt Nam đang quá lớn, chiếm khoảng 30% tổng giá trị. Vấn đề này là khó khăn chung của cả ngành và các rủi ro xuất phát từ nhiều yếu tố, song yếu tố chủ quan lớn nhất là sự liên kết trong chuỗi hiện còn rất kém.

Định vị nguồn lực

Không chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế cởi mở với sự hội nhập sâu rộng, tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong mọi lĩnh vực đều sẽ đối mặt với những áp lực cạnh tranh khốc liệt.

“Và, câu hỏi chủ chốt cho doanh nghiệp Việt Nam là phải làm thế nào để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm, hàng hóa,”  ông Thành nói.

Do vậy, “hiểu về lợi nhuận của sản phẩm, về khách hàng và cách tiếp cận thị trường; quản lý tồn kho và vốn hoạt động của chuỗi cung ứng; xác định và giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng,” là những nguyên tắc cơ bản trong vận hành một chuỗi cung ứng toàn cầu được giáo sư Jay Fortenberry, Trường đại học Portland State (Mỹ) đưa ra.

Với vai trò là nhà nghiên cứu và giảng dạy, giáo sư Jay chỉ ra, “tất cả các công ty đều có một bộ giá trị cốt lõi. Điều quan trọng là nhân viên phải nắm bắt các giá trị này và tích cực làm việc để đưa chúng vào thực tiễn, như một phần của văn hóa doanh nghiệp.”

Nắm bắt được những nguyên lý cơ bản, doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa được chuỗi cung ứng, định vị các nguồn lực theo những cách mà có thể nâng cao khả năng sinh lời và dòng tiền.

Bài toán đa mục tiêu

Trên thực tế, chuỗi cung ứng là mối liên kết phức tạp và chồng chéo. Một khách hàng có thể là nhà cung ứng, nhà máy sản xuất. Động thái của một chuỗi cung ứng thì liên tục thay đổi (như thêm nhà cung cấp, gia tăng đầu tư cho nhà máy mới, quy định phát sinh, biến động về chi phí hậu cần và khách hàng…).

Do đó, tiến sỹ Lục Thu Hường cho rằng, những rủi ro trong chuỗi cung ứng không phải lúc nào cũng kiểm soát được, kể cả khi ứng dụng cộng nghệ số hiện đại.

“Việc chuẩn bị kỹ lưỡng về con người, quy trình, công tác quản trị và cả văn hóa doanh nghiệp…, nhằm hỗ trợ và giảm thiểu các yếu tố rủi ro. Tôi nghĩ loại bỏ hết rủi ro trong chuỗi cung ứng là khó khăn,” bà Hường nói.

Tối ưu hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu giảm thiểu chi phí, hàng tồn kho, rủi ro và gia tăng dịch vụ khách hàng… Đây là một bài toán tối ưu hóa đa mục tiêu và rất khó giải quyết đối với các doanh nghiệp.

Giáo sư Jay nhấn mạnh, “tối ưu chuỗi cung ứng là cung cấp đúng sản phẩm, đúng giá, đúng thời gian, đúng chất lượng, đúng khách hàng… Về lý thuyết không thể có một phương pháp hoàn hảo, nhưng doanh nghiệp áp dụng quy trình chặt chẽ thì hoạt động kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.”

Song, giáo sư Jay chỉ ra thêm một vấn đề khác, “do sự gia tăng trong thương mại quốc tế và các yêu cầu xuyên biên giới, chuỗi cung ứng giờ đây càng trở nên tập trung hơn vào việc quản lý tiền mặt.”

Theo giáo sư, ban quản trị công ty nên hướng trọng tâm vào lợi nhuận và dòng tiền, vì đây là những yếu tố chính trong việc tạo ra giá trị cổ đông. Bởi, hoạt động của dòng tiền và cách thức công ty sử dụng nó có thể dự báo kết quả kinh doanh trong tương lai.

Để kiểm soát chuỗi cung ứng an toàn, tiến sỹ Daniel Wong, Trường đại học Portland State cũng không quên nhắc tới, việc giữ hàng tồn kho là nhằm tối đa hóa dịch vụ, duy trì hiệu quả sản xuất đồng thời giảm thiểu chi phí phân phối sản phẩm. Trên thực tế, cái giá của việc không giữ hàng tồn kho có thể là bị mất khách hàng, chậm trễ sản xuất hoặc mất lợi thế.

Ông Daniel cho biết, thông thường chi phí thực hiện hàng tồn kho với hầu hết các doanh nghiệp đang trong quá trình vận hành dao động từ 15% đến 45%.

“Chuỗi cung ứng an toàn là minh chứng rõ ràng cho cam kết của công ty về một môi trường lành mạnh và bảo mật cho nhân viên, khách hàng, sản phẩm, cơ sở và cộng đồng. Mỗi công ty sẽ phải đối phó với các vấn đề liên quan đến tiền mặt, dòng tiền, vốn lưu động và nợ. Cách họ xử lý có hiệu quả hay không có thể xác định thành công hay thất bại về lâu dài,” tiến sỹ Daniel nói.

Trục trặc trong chuỗi cung ứng làm xói mòn niềm tin của khách hàng và giá trị cổ đông đối với công ty. Do đó, tiến sỹ Võ Trí Thành nhấn mạnh, “cách mạng khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, con người vẫn là yếu tố quyết định. Trong quá trình đó, con người chiếm 80% và công nghệ chỉ là 20%”./.

Tiến sỹ Lục Thu Hường, Trường đại học Thương Mại phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục