Vụ Bamboo Airways: Doanh nghiệp làm gì để bảo vệ tên miền?

Bamboo Airways chưa nắm bắt được việc đăng ký sử dụng bao vây các tên miền để bảo vệ thương hiệu dẫn tới phải chạy theo giải quyết vấn đề và đây là bài học cho doanh nghiệp Việt.
Vụ Bamboo Airways: Doanh nghiệp làm gì để bảo vệ tên miền? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: flc.vn)

Liên quan tới việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) bị một cá nhân đăng ký tên miền http://bambooairway.vn, gây ảnh hưởng tới hãng, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng, Bamboo Airways chưa nắm bắt được việc đăng ký sử dụng bao vây các tên miền để bảo vệ thương hiệu dẫn tới phải chạy theo giải quyết vấn đề.

Các cách lấy lại tên miền

Trả lời phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, đại diện của VNNIC (cơ quan quản lý tên miền thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, tại Khoản 3 Điều 68 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định: Tổ chức cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của các thông tin đăng ký và bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký.

[Khó xử lý vụ hàng không Bamboo Airways bị xâm phạm nhãn hiệu]

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký phải “chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tên miền đăng ký theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên Internet” (Khoản 1, Điều 7, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT). Theo đó, chủ thể đăng ký sử dụng bambooairway.vn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng tên miền theo quy định pháp luật.

Trước việc xảy ra xung đột giữa Bamboo Airways và chủ sở hữu tên miền http://bambooairway.vn, phía VNNIC cho hay, các đơn vị liên quan có thể chọn giải quyết theo hai hướng độc lập.

Thứ nhất, cá nhân/tổ chức là chủ thể sở hữu công nghiệp cho rằng chủ thể tên miền [đơn vị sở hữu tên miền-pv] có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ của mình khi chủ thể tên miền sử dụng tên miền trùng hoặc có thành phần tương tự, giống nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý thì họ thể khiếu nại và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Điều này căn cứ theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 8/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng các hình thức xử phạt: cảnh cáo, phạt tiền, buộc thay đổi thông tin đăng tải trên website… hay thậm chí đối với một số trường hợp nhất định cơ quan chức năng xem xét áp dụng biện pháp thu hồi tên miền nhằm chấm dứt hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc thực hiện xử phạt hành chính đối với chủ thể tên miền có hành vi vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ là hoàn toàn độc lập với việc giải quyết tranh chấp tên miền. Việc thu hồi tên miền (nếu có) chỉ là một biện pháp hành chính để cưỡng chế chấm dứt hành vi vi phạm của chủ thể tên miền, tên miền sau khi thu hồi không ưu tiên cấp lại cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

Ở hướng giải quyết thứ hai, cá nhân/tổ chức là chủ thể quyền cho rằng việc xung đột đó là tranh chấp trong việc đăng ký, sử dụng tên miền thì cần giải quyết vụ việc theo các hình thức giải quyết tranh chấp đã được quy định như thông qua thương lượng, hòa giải; qua trọng tài; khởi kiện tại tòa án (đã được quy định tại Điều 76, Luật Công nghệ thông tin và Điều 16, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng).

“Cơ quan quản lý tên miền chỉ can thiệp tác động vào các tên miền có tranh chấp khi có kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền,” phía VNNIC cho biết.

Bài học cho doanh nghiệp Việt

Trên thực tế, việc đầu cơ để bán tên miền không phải là trường hợp hiếm gặp. Trong trường hợp của Bamboo Airways, chưa có thông tin chủ sở hữu rao bán tên miền này nhưng thực tế thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Đại diện VNNIC cũng nhìn nhận, sự việc này xảy ra là rất đáng tiếc cho Bamboo Airways. Công ty trách nhiệm hữu hạn Hàng không Tre Việt chưa nắm bắt được việc đăng ký sử dụng bao vây các tên miền để bảo vệ thương hiệu dẫn tới trường hợp đáng tiếc như hiện tại và phải chạy theo giải quyết vấn đề.

[Bamboo Airways nói gì về quảng bá rầm rộ khi chưa có giấy phép bay?]

Vẫn theo đơn vị này, thông lệ quốc tế cũng như quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính Phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng và Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet thì tên miền không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký, sử dụng tên miền “.vn” theo “nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước.”

Do đó, để tránh xảy ra những tranh chấp quyền sử dụng tên miền hoặc tránh để những tên miền liên quan đến tên thương mại, sản phẩm, chỉ dẫn địa lý… của mình bị chủ thể khác đăng ký trước, gây ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên Internet các cá nhân, tổ chức cần nhận thức đúng đắn về vấn đề này.

“Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý… của mình với cơ quan quản lý tên miền,” phía VNNIC khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục