Chuyện của những phóng viên, nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo, phóng viên, để họ luôn cảm thấy có trách nhiệm làm tốt hơn công việc của mình, trân trọng hơn với nghề mà mình đã chọn.
Chuyện của những phóng viên, nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa ảnh 1Đo thân nhiệt, khử khuẩn đối với đoàn công tác số 4 do Quân Chủng Hải quân tổ chức ra thăm và làm việc tại đảo Sinh Tồn, huyện đảo huyện Trường Sa đầu tháng Năm vừa qua. (Ảnh: TTXVN)

Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa giờ đây như gần với đất liền hơn bởi thông tin về đời sống của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân sinh sống và làm việc ngoài hải đảo xa xôi đang được các phóng viên, nhà báo truyền tải trên các kênh thông tin đại chúng một cách thường xuyên.

Các nhà báo, phóng viên khi đi công tác ở Trường Sa  chắc chắn vẫn giữ trong tim tình cảm thiết tha, ký ức đáng nhớ về cơ hội tác nghiệp giữa muôn trùng sóng gió.

Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo, phóng viên, để họ luôn cảm thấy có trách nhiệm làm tốt hơn công việc của mình, trân trọng hơn với nghề mà mình đã chọn.

Tôi là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam may mắn có chuyến công tác đến Trường Sa lần đầu tiên vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Chuyến hải trình 10 ngày nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng không thể phai nhòa trong cuộc đời làm nghề.

Mặc dù đã không ít lần được trực tiếp thông tin các sự kiện thời sự, cứu hộ cứu nạn ở Trường Sa nhưng đến với huyện đảo lần này, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây.

Trong lần tác nghiệp tại Trường Sa này, không chỉ riêng tôi mà tất cả các phóng viên, nhà báo đều có những sự chuẩn bị cho riêng mình.

Xác định việc thực hiện tuyên truyền thông tin về bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm, nhóm phóng viên đã nhanh chóng triển khai công việc. Điều thú vị và đặc biệt đối với chúng tôi là khi được tiếp xúc với những người lính tuổi đôi mươi. Họ là những người lần đầu được phân công ra thực hiện nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa, lại là những người đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử ngay trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

[Nơi ấy Trường Sa - chủ quyền thiêng liêng giữa mênh mông trùng dương]

Những người lính tâm sự sự kiện này 5 năm mới có một lần nên họ cảm thấy thật may mắn, vinh dự và tự hào khi là công dân thực hiện quyền bầu cử nơi đảo xa.

Từ những cuộc tiếp xúc với các chiến sỹ trẻ được cầm lá phiếu đi bầu cử nơi đảo xa, nhóm phóng viên TTXVN đã nhanh chóng triển khai đề tài: chiến sỹ trẻ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử bằng các loại hình và phát trên hệ thống của ngành, được các cơ quan báo chí khác chia sẻ, sử dụng.

Với người lính làm báo, Trung úy, nhà báo Dương Ngọc Anh, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội thì đây không phải là lần đầu tiên đến với Trường Sa nhưng mỗi lần tác nghiệp tại huyện đảo, trong lòng chị đọng lại những cảm xúc khác nhau, thật khó diễn tả. Điều đó là động lực để chị cũng như các nhà báo đến với Trường Sa chuyển tải những hình ảnh chân thực, đầy đủ màu sắc về người lính giữa muôn trùng sóng nước.

Nhà báo Dương Ngọc Anh chia sẻ chị đã có nhiều chuyến công tác đi bằng phương tiện trực thăng theo chân các đoàn y, bác sỹ ra các đảo để đưa tin về hoạt động cấp cứu quân và dân nơi đây. Vì thế, chị không thể dừng chân lâu để cảm nhận hết vẻ đẹp của Trường Sa.

Chuyến công tác bằng tàu biển kéo dài 10 ngày lần này, dẫu say sóng nhưng khi nhìn thấy màu xanh của đảo, những khuôn mặt với làn da bánh mật, nụ cười tỏa sáng của quân dân trên đảo, thì bao mệt nhọc đều tan biến.

Chị cùng êkíp thực hiện được những phóng sự thước phim đẹp đưa về phát sóng, đáp ứng được yêu cầu thông tin.

Chuyện của những phóng viên, nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa ảnh 2Hệ sinh thái san hô và đá ngầm bao quanh Đảo Cô Lin. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

"Tôi chỉ mong muốn những thước phim của tôi về đề tài Trường Sa khi chuyển tải đến bạn đọc góp phần hun đúc, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương đất nước. Cuộc sống ở huyện đảo dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chiến sỹ nơi đây vẫn luôn cầm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Chính vì thế, những người dân ở trong đất liền như mỗi chúng ta lại càng phải sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn và có những việc làm cụ thể hướng về cuộc sống của các chiến sỹ ngoài biển khơi," Trung úy, nhà báo Dương Ngọc Anh bộc bạch.

Đã ba lần ra thăm quần đảo Trường Sa, nhà báo Trần Thị Nguyệt Ánh, phóng viên Báo Hà Nội mới cho biết  cảm xúc trong chị vẫn nguyên vẹn như lần đầu.

Trong chuyến công tác lần thứ hai năm 2018 ra thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa đúng dịp Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc di chuyển nhưng với chị, đó chỉ là những khó khăn rất nhỏ trong nghề làm báo.

Khi đặt chân đến các đảo, chị cùng các đồng nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn và triển khai tìm hiểu thông tin, tác nghiệp để chuyển tải về đất liền những hình ảnh, cuộc sống của quân dân Trường Sa trong những ngày Tết đến, Xuân về.

"Mỗi chuyến đi tôi thấy thêm yêu Tổ quốc mình. Chứng kiến sự kiên trung, can trường của cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi hải đảo xa xôi, tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, cống hiến thật nhiều tác phẩm báo chí chất lượng. Và thấy rằng, mình cần phải lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương tới bạn bè người thân, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc," nhà báo Nguyệt Ánh tâm sự.

Sau mỗi chuyến đi dài đến với huyện đảo Trường Sa, trở về đất liền, các nhà báo đã thực hiện các tuyến tin, bài, viết về những người lính dũng cảm với lý tưởng trong sáng với tình yêu đất nước, quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; phản ảnh cuộc sống của những người dân, ngư dân vươn khơi bám biển... và hoạt động cứu nạn, cứu hộ giữa trùng khơi... Những thông tin đó góp phần làm gắn kết, nối liền giữa đất liền với Trường Sa.

Ghi nhận những đóng góp của các thế hệ nhà báo đã kịp thời thông tin về đời sống quân và dân của huyện Trường Sa đến với nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam a ở nước ngoài, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa, cho biết dù khó khăn, vất vả nhưng các nhà báo đã không ngại gian khó, kịp thời đưa hình ảnh, không khí ngày Tết của quân và người dân huyện đảo; ngư dân vào tránh trú bão trong các âu tàu ở các đảo một cách kịp thời, sinh động."

Hòa chung đời sống của quân dân trên đảo, chúng tôi - những người làm báo - thực hiện các tuyến tin bài ở Trường Sa không chỉ bằng tri thức mà còn bằng cả sự tin yêu, trao và nhận yêu thương để những thước phim, những hình ảnh, những câu chuyện chân thực nhất về Trường Sa được truyền tải tới đất liền, tiếp thêm sức mạnh để những người lính Trường Sa luôn vững chắc tay súng, bảo vệ biển trời của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục