Chuyển đổi cơ cấu kinh tế biển để tháo gỡ khó khăn do COVID-19 gây ra

Các đại biểu QH kiến nghị chuyển đổi cơ cấu kinh tế biển theo xu hướng phát triển đô thị biển. Có như vậy, Việt Nam mới thực sự bước ra biển lớn.
Điện lưới quốc gia tại xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Điện lưới quốc gia tại xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Du lịch biển, trọng tâm của nền kinh tế biển Việt Nam, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng suốt hai năm qua do đại dịch COVID-19 gây ra. Đứng trước thách thức to lớn để phục hồi kinh tế trong dịch và sau dịch, Quốc hội đã thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó có chiến lược đầu tư về biển.

Chia sẻ với phóng viên Báo VietnamPlus bên lề cuộc họp, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng), Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để phục hồi và phát triển kinh tế biển.

Địa phương và cộng đồng cùng tham gia

Đại biểu cho rằng biển mênh mông, rộng lớn, nếu đầu tư không cẩn thận thì không hiệu quả, cho nên Chính phủ phải rà soát lại, ưu tiên cho những đối tượng nào.

Là chuyên gia về biển và nghề cá nhiều năm, đại biểu cho hay cần huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn và chuyển đối tượng thực hiện cho các tỉnh quản lý.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế biển để tháo gỡ khó khăn do COVID-19 gây ra ảnh 1Đại biểu Nguyễn Chu Hồi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Chúng ta cần hiểu rằng chiến lược biển là phát triển kinh tế, chứ không phải nghiên cứu khoa học về kinh tế nên yếu tố thực tiễn rất quan trọng, nên giao cho các địa phương có biển lồng ghép vào các chương trình phát triển. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp, những người khai thác, sử dụng biển vào cuộc,” ông nói.

Đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng ven biển. Ông cho rằng lâu nay cộng đồng dân cư làm ăn nhỏ lẻ, chưa xác định vai trò của mình trong những chủ trương chính sách lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, đây là chiến lược là của quốc gia nên mọi thành phần kinh tế, xã hội có năng lực, có nhu cầu đều phải tham gia.

“Đối với cộng đồng duyên hải thì biển chính là nồi cơm, là sinh kế của họ. Thoát nghèo hay không là nhờ biển, bảo vệ môi trường biển được hay không là do nhận thức người dân, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc cũng dựa vào người dân ven biển, hải đảo,” ông nói.

Đại biểu nói thêm rằng biển đảo cũng cần có một bộ luật, nhiều lĩnh vực khác nhau của biển đảo và biển đảo cần có sự quản lý thống nhất về mặt Nhà nước. Những đặc thù của biển đảo cần được thể cụ thể hơn trong luật pháp.

“Hiện đã có một số nghị định, tuy nhiên căn cứ những gì đã thực hiện trong thực tiễn thì nó như ‘cái áo chật’, cần ‘cái áo rộng’ hơn để hàm chứa được nhiều vấn đề và chính xác hơn, cụ thể hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn để giúp giải quyết được một cách kịp thời và căn bản những vấn đề về biển đảo và các hoạt động của ngư dân,” ông nói.

Vì vậy, đại biểu cho biết trong nhiệm kỳ của mình tại Quốc hội, ông sẽ tập trung đóng góp ý kiến để sớm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan về biển đảo và nghề cá của Việt Nam. Bởi theo ông, những năm gần đây, mặc dù Quốc hội đã thông qua những luật cơ bản, song cần có một bộ luật bap trùm nhiều lĩnh vực khác nhau của biển đảo và kinh tế biển đảo.

Kinh tế biển đưa Việt Nam ra khơi

Du lịch biển là một mũi nhọn trong kinh tế biển, đó là mục tiêu đã được Chính phủ xác định với tầm nhìn đến 2030, nhưng do dịch COVID-19, du lịch biển đã sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.

Lý giải điều này, đại biểu cho rằng đây là một ngành kinh tế dựa vào tự nhiên do đó dễ bị tổn thương trước diễn biến dịch bệnh.

“Những địa phương ven biển lấy du lịch biển làm nền tảng, mũi nhọn để phát riển kinh tế thì sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất,” đại biểu phân tích.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế biển để tháo gỡ khó khăn do COVID-19 gây ra ảnh 2Một góc đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ông cho rằng để phát triển du lịch biển thì có hai yếu tố là điểm đến và lưu trú; trong đó thiệt hại nhất là hệ thống khách sạn, còn thiên nhiên, điểm đến thì không bị ảnh hưởng bởi tình trạng vắng khách, thậm chí không có khách du lịch còn là yếu tố thuận lợi để thiên nhiên phục hồi.

“Những nguồn lực vật chất, hạ tầng cơ sở của ngành du lịch như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, phương tiện giao thông, dịch vụ là ảnh hưởng nhất. Tình trạng này nếu kéo dài thì một bộ phận doanh nghiệp sẽ phá sản,” ông trăn trở.

Từ đó, ông đề xuất biện pháp là chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế biển một cách kịp thời linh hoạt, cụ thể là phải nhanh chóng có cơ chế để đầu tư vào năng lượng biển tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi, đầu tư cho những ngành nghề mới như nuôi thủy sản ngoài khơi, phát triển nghề cá giải trí.

“Thay vì đánh cá thì ta nuôi cá, tổ chức du lịch ra khơi ngắm cá, câu cá giải trí, lặn ngắm cá san hô. Đây là những ngành nghề tạo giá trị kinh tế cao mà không tổn hại đến tự nhiên,” ông nói.

Mô hình này khá phổ biến trên thế giới. Bản thân ông cũng đã từng đề nghị đưa vào chiến lược của ngành thủy sản nhưng chủ trương này chỉ dừng ở góc độ khuyến khích doanh nghiệp tham gia chứ chưa có cơ chế.

Đại biểu cho rằng nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển hướng, chỉ chờ cơ chế.

Mặt khác, đại biểu kiến nghị phát triển đô thị biển tại 28 tỉnh ven biển. Bài toán quy hoạch hiện nay không chỉ là xây nhà, mở rộng diện tích mà phải làm kinh tế, tạo một hệ sinh thái nhân sinh. Ông lấy ví dụ những đô thị ven biển như Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng đã thay đổi rất nhiều, trở thành những đô thị ven biển văn minh, đáng sống.

Đó là những tín hiệu tốt để thấy kinh tế đô thị sẽ phát triển tốt cùng kinh tế biển. Ngoài ra, ông cũng mong rằng sau Phú Quốc, sẽ có thêm Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà sẽ trở thành đô thị ‘đô thị đảo’ thật sự, là điểm cầu thu hút đầu tư, kết nối bờ và biển, biển và đảo, kết nối biển Việt Nam với đại dương thế giới.

“Kinh tế Việt Nam phải tiến ra đại dương chứ không nên đứng mãi ven bờ. Đô thị đảo, đô thị nổi, đảo nhân tạo đang rất phát triển tại Nhật Bản, Singapore, các nước Trung Đông. Chúng ta nên đi theo xu hướng này,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục