Chuyển đổi ngành nghề để giải quyết thực trạng ‘sa mạc hóa nông thôn'

Thực trạng lao động già hóa và kém kỹ năng là rào cản trong phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do đó giới chuyên gia kiến nghị phải có chính sách phù hợp nhằm ‘giữ chân’ người lao động trẻ.
Thực trạng lao động già hóa và kém kỹ năng đang là rào cản trong phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thực trạng lao động già hóa và kém kỹ năng đang là rào cản trong phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đang thực hiện xây dựng Đề án “Chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”

Theo đó, ngày 1/8, IPSARD đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự hỗ trợ của  Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”

[Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản 7 tháng tăng 2%]

Tại hội thảo, các diễn giả đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng lao động và việc làm khu vực nông nghiệp nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, những rào cản trong đào tạo, chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của vùng.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, IPSARD chỉ ra thực trạng thiếu lao động khi vào thời vụ - tình trạng “sa mạc nông thôn” đang trở nên phổ biến, với nguồn năng lực chủ yếu là người già, kỹ năng kém. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển không ổn định với các mức lương thấp..., những yếu tố khiến cho việc chuyển hướng sang sản xuất phi nông nghiệp trong vùng là rất khó.

Hội thảo tạo ra cơ hội để đại biểu thảo luận về các giải pháp, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, các chương trình xúc tiến tạo việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn trong vùng từ đó nâng cao năng suất lao động, tạo nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân đồng thời tạo nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao cho phát triển kinh tế vùng.

Tại đây, các kinh nghiệm, yếu tố thành công hay khó khăn thách thức đối với các địa phương trong vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề triển khai các chương trình, chính sách đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm, giữ lao động ở lại nông thôn cũng được diễn giả chia sẻ. 

Chuyển đổi ngành nghề để giải quyết thực trạng ‘sa mạc hóa nông thôn' ảnh 1Hội thảo 'Chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long,' ngày 1/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Trương Tiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh An Giang đề xuất kiến nghị chính sách, như tăng định mức hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn (cả người học và giảng viên/người truyền nghề) sau năm 2020, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hay tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương.

“Các cấp quản lý nên có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao lao động sau khi được đào tạo trong  lĩnh vực nông nghiệp, như lao động làm trong doanh nghiệp, hợp tác xã có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; lao động tham gia sản xuất trong các vùng sản xuất hàng hoá lớn, công nghệ cao… để họ có thể đầu tư vào phát triển sản xuất, tự tạo ra việc làm,” ông Thọ nói.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình có trị giá 6,5 triệu AUD hoạt động trong thời gian 4 năm (từ năm 2017 đến năm 2021).

Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng phát biểu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục