Chuyển đổi số và khắc phục tác động của COVID-19 để phát triển kinh tế

Theo ông Đặng Minh Khôi, trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ý nghĩa, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chuyển đổi số và khắc phục tác động của COVID-19 để phát triển kinh tế ảnh 1Ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sáng 30/10, Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Gần 500 đại biểu là kiều bào, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân đã tham dự hội nghị bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; đại diện một số bộ, ngành ở Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh phía Nam cùng nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước cũng tham dự hội nghị.

Khai mạc hội nghị, ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh: Những năm gần đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình chuyển đổi số đã tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội của nước ta, từ hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ đến vấn đề sản xuất kinh doanh, việc làm, sinh hoạt thường nhật của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ý nghĩa, vai trò của công cuộc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể nói là đòn bẩy quan trọng giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là cơ hội vô giá để phát triển đất nước.

Trong tình hình đó, để nắm bắt chắc cơ hội đồng thời xử lý các khó khăn, thách thức, Đảng, Nhà nước có rất nhiều nỗ lực để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực.

Ông Đặng Minh Khôi khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận, trân trọng, đánh giá cao sự đóng góp của các chuyên gia, trí thức kiều bào cũng như cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời bày tỏ tin tưởng các chuyên gia, trí thức kiều bào cùng các đại biểu dự hội nghị sẽ trao đổi, thảo luận hiệu quả, đóng góp ý kiến thiết thực cho công tác hoạch định chủ trương, chính sách, điều hành của Đảng, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, xây dựng đô thị thông minh.

Đây cũng là dịp để các chuyên gia, trí thức, kiều bào đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với những mục tiêu cụ thể.

[Chuyển đổi số - giải pháp cho doanh nghiệp thời COVID-19]

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn được lắng nghe thật nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để cả nước và thành phố thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” trong trạng thái bình thường mới, nhất là những nội dung trọng tâm như: Chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng; giải ngân đầu tư công; phát triển du lịch; ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chuyển đổi số mà Chính phủ đã đặt ra nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19.

Chuyển đổi số và khắc phục tác động của COVID-19 để phát triển kinh tế ảnh 2Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, với vai trò là một đô thị lớn, trung tâm nhiều mặt của cả nước, sự phục hồi kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của cả nước.

Do đó, ngoài những nội dung góp ý cho sự phát triển của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, kiều bào thảo luận sâu hơn các giải pháp phát triển Thành phố trong trạng thái bình thường mới, nhất là tận dụng lượng kiều hối hằng năm khoảng 5 tỷ USD để phát triển kinh tế; phát huy sức mạnh của hơn 440 nghìn doanh nghiệp của Thành phố, đặc biệt là hơn 44 nghìn doanh nghiệp về công nghệ thông tin; đồng thời thảo luận các giải pháp để mời gọi các doanh nhân kiều bào đầu tư nhiều hơn nữa vào Thành phố.

Lãnh đạo Thành phố khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến tư vấn của các trí thức, doanh nhân kiều bào, tạo động lực mới cho giai đoạn phát triển sắp tới, đưa Thành phố trở thành “trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.”

Thành phố luôn tự hào vì có sự đồng hành của kiều bào, tin tưởng với sự gắn kết, tình cảm của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, sớm trở thành Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như mục tiêu đã đề ra.

Hội nghị chia thành 2 phiên thảo luận với nội dung: “Giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19,” “Vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.”

Hội nghị là nơi để các cơ quan hoạch định chính sách thông tin đầy đủ tới người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tới doanh nhân, trí thức kiều bào về tình hình kinh tế Việt Nam, về những khó khăn, thách thức đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Hội nghị ghi nhận những ý kiến đóng góp của kiều bào đối với những vấn đề trọng tâm về ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mà Chính phủ quan tâm trong giai đoạn hiện nay; qua đó đề xuất xây dựng những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 nhằm phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.

Hội nghị cũng là cơ hội kết nối các cá nhân, doanh nghiệp kiều bào trong và ngoài nước trong từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường cơ hội hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng trong nước về việc phát triển kinh tế nói chung, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn thời kỳ ảnh hưởng dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục