Chuyên gia Australia chia sẻ cách thúc đẩy thị trường tài chính xanh

Theo HSBC, 63% các khách hàng đầu tư cho biết họ muốn gia nhập hoặc mở rộng sự hiện diện của mình vào lĩnh vực tài chính xanh trong vòng hai năm tới.
Chuyên gia Australia chia sẻ cách thúc đẩy thị trường tài chính xanh ảnh 1

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Australian, Daniel Klier, Trưởng Bộ phận Tài chính Bền vững của ngân hàng HSBC, nhận định một năm mới và một thập kỷ mới nên là thời điểm cho sự lạc quan, nhưng thế giới đang đón chào năm 2020 với nhiều cảm giác thất vọng về các hành động liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Tầm quan trọng của một thị trường tài chính xanh

Tháng trước, Hội nghị thường niên lần thứ 25 của Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc giảm khí thải carbon toàn cầu, nhưng không đưa ra được một chương trình nghị sự mới đủ để thực hiện các tham vọng đó.

Năm 2015 tại Hội nghị COP 21, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được công bố, công nhận nhu cầu cấp thiết phải cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C.

Kể từ đó, mỗi kỳ hội nghị COP tiếp theo đều gia hạn cam kết cho mục tiêu này. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như triển vọng về Hiệp định Paris rất khó để đạt được, thậm chí có thể nói là đã thất bại nặng nề.

Một báo cáo gần đây nhất của Liên hợp quốc đã tiết lộ khoảng cách giữa mục tiêu giảm carbon và lượng khí thải carbon thực tế vẫn đang gia tăng.

Mỗi năm, lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng, khiến cho việc đạt được mục tiêu vào năm 2030 càng trở nên khó khăn hơn, việc bảo vệ môi trường tự nhiên vì thế cũng khó khăn hơn và khó hơn nữa là làm thế nào để có thể giảm bớt những thiệt hại về kinh tế mà biến đổi khí hậu mà đem lại.

Có lẽ, liều thuốc khẩn cấp mới trong các hành động của chính phủ và doanh nghiệp nên được ưu tiên. Tại nhiều nước, các quyết định đang được đưa ra sẽ định hình toàn bộ cấu trúc nền kinh tế của quốc gia đó trong nhiều thập kỷ tới.

[Nghị viện châu Âu thông qua dự luật sửa đổi về quản lý tài chính xanh]

Do đó, nếu những quyết định này không được tính toán dựa trên cơ sở bền vững, hàm lượng carbon thấp, thế giới sẽ bị "mắc kẹt" trong lượng khí thải carbon ở mức cao trong một tương lai gần. 

Đôi khi, biến đổi khí hậu có thể bị đánh đồng với suy nghĩ giống như đó là một vấn đề rất lớn, không thể giải quyết được. Nhưng, giải pháp có thể tóm tắt chỉ trong một từ đó là đầu tư. Chính phủ quốc gia và các thực thể nhà nước khác đều có những vai trò riêng trong "cuộc chơi" này, nhưng chỉ khu vực tư nhân mới có thể thu xếp được đủ số tiền cần thiết để tạo ra những thay đổi tích cực cho biến đổi khí hậu.

Điều đó có nghĩa là cần thúc đẩy thị trường tài chính xanh (Thị trường tài chính cho các dự án có liên quan tới khí hậu, hoặc môi trường). Sự ưa chuộng của các nhà đầu tư dành cho các "sản phẩm xanh" đang tăng lên.

Trong một cuộc khảo sát của ngân hàng HSBC (Anh) vào đầu năm nay, 63% các khách hàng đầu tư cho biết họ muốn gia nhập hoặc mở rộng sự hiện diện của mình vào lĩnh vực tài chính xanh trong vòng hai năm tới.

Tuy nhiên, thị trường này hiện vẫn đang nằm dưới quy mô cung ứng, bị hạn chế bởi sự thiếu hụt các dự án đầu tư thiết thực. Cụ thể, thị trường trái phiếu xanh, được phát hành trong ba quý đầu năm 2019, là gần 190 tỷ USD.

Đây là một bước nhảy vọt so với số tiền 115 tỷ USD thu được của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một khoản tài chính nhỏ trong hàng nghìn tỷ đô la đầu tư xanh cần thiết vào năm 2030.

Hơn thế nữa, chỉ có khoảng 26% trái phiếu xanh phát hành trong năm 2019, được gắn với các dự án tại những thị trường mới nổi, cách xa so với đòi hỏi cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững ở các quốc gia này trong dài hạn.

Những cách để thúc đẩy thị trường tài chính xanh

Thay đổi mục tiêu có thể tạo ra sự khác biệt. Đầu tiên, cần phải khuyến khích việc công bố rộng rãi hơn về rủi ro của biến đổi khí hậu. Khi các nhà đầu tư có một ý tưởng rõ ràng về việc các doanh nghiệp và lĩnh vực nào sẽ phải chịu tác động nhiều nhất từ hiện tượng nhiệt độ gia tăng, họ sẽ có thể đưa ra quyết định tốt hơn đối với các khoản tiền của mình.

Việc áp dụng các nguyên tắc công bố tiêu chuẩn, chẳng hạn như các báo cáo được phát hành bởi Tổ công tác về Công bố tài chính liên quan tới Biến đổi khí hậu, sẽ làm tăng số lượng các dự án khả thi dành cho các nhà đầu tư và giúp đưa đến một thay đổi thứ hai - thúc đẩy nhiều hoạt động tài chính xanh hơn trong nền kinh tế thực tại.

Trong khi đó, việc chuyển sang giảm phát thải chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng sẽ cung cấp các cơ hội lớn cho những nhà máy sẽ đạt thành công bởi sử dụng đúng loại tài chính vào đúng thời điểm là rất quan trọng.

Có một số dấu hiệu cho thấy các ngành công nghiệp phát thải carbon cao đang bắt đầu nắm bắt được quá trình chuyển đổi. Tại một số báo cáo của HSBC, các nhà phân tích đã nhận thấy có sự hình thành các tổ chức công nghiệp, như Resposible Steel, nhằm thúc đẩy phát triển phát thải thấp trong một số lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp càng mất nhiều thời gian để điều chỉnh theo tư duy carbon thấp, họ càng có nhiều khả năng phải gánh chịu các "đòn" phản ứng từ những người tiêu dùng và nhà đầu tư có nhận thức về khí hậu.

Thay đổi thứ ba là làm sao để các cơ sở hạ tầng bền vững trở thành một loại tài sản theo đúng ý nghĩa của nó. Một số nghiên cứu cho thấy hiện tại thâm hụt trong đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu vào khoảng 40.000-70.000 tỷ USD.

Chúng ta đơn giản đã không tiêu đủ tiền cho các "mặt hàng vốn lớn" như đường bộ, đường tàu hỏa và các nhà máy điện. Thu hẹp khoảng cách này một cách bền vững là rất quan trọng.

Một loại tài sản riêng biệt sẽ cho phép các sản phẩm trở nên đúng chuẩn hơn, minh bạch hơn và được liên kết với các tác động đúng đắn hơn.

Trong khi đó, nhu cầu về cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư xanh khác vào các thành phố đặc biệt cao. Nhiều thành phố tạo ra hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng hầu hết những thực thể này không có quyền truy cập vào thị trường vốn trực tiếp và cũng không thể dễ dàng đầu tư tiền để giảm con số khí phát thải.

Đó là lý do tại sao thay đổi thứ tư trong danh sách mong muốn nên là đổi mới sản phẩm lớn hơn. Điều này sẽ cung cấp nhiều lựa chọn đầu tư hơn nữa, giúp chuyển đổi các chính sách hoặc sản phẩm khí hậu quy mô nhỏ đầy triển vọng thành các giải pháp hiệu quả hàng loạt.

Ví dụ, nhiều thành phố đã có những dự án tiên phong giúp giảm lượng khí thải carbon trong xử lý chất thải hoặc tăng tài trợ cho các tòa nhà xanh hơn. Cũng đáng khích lệ là thị trường "trái phiếu đại dương" hiện đang phát triển, nơi lợi nhuận của nhà đầu tư được liên kết với việc bảo tồn các hệ sinh thái cụ thể.

Năm 2020 là một năm bản lề cho biến đổi khí hậu. COP 26, được tổ chức tại thành phố Glasgow của Vương quốc Anh vào tháng 11 tới, sẽ rất quan trọng đối với tương lai trước mắt và lâu dài của Trái Đất.

Kết thúc bài viết, tác giả bày tỏ hy vọng COP 26 có thể mang lại những thành tựu cụ thể hơn so với những hội nghị trước đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục