Chuyên gia Australia viết về tình trạng quan hệ Trung-Việt

Tác giả Dirk Van Der Kley có bài bình luận với tựa đề ''Tình trạng bế tắc trong quan hệ Trung-Việt: Ba yếu tố cốt lõi" đăng trên trang The Interpreter.
Chuyên gia Australia viết về tình trạng quan hệ Trung-Việt ảnh 1Hai tàu cảnh sát biển Việt Nam đã được sửa chữa xong tại cảng Sông Thu (Đà Nẵng), sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tác giả Dirk Van Der Kley, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á của Viện chính sách quốc tế Lowy, có bài bình luận với tựa đề ''Tình trạng bế tắc trong quan hệ Trung-Việt: Ba yếu tố cốt lõi" đăng trên trang The Interpreter của Viện chính sách quốc tế Lowy (Australia).

Vietnam+ xin đăng tải nội dung chính của bài viết (Quan điểm trong bài viết là của tác giả):

Vậy là xung đột mới lại nổ ra trên biển giữa Trung Quốc và nước láng giềng.

Giới chức ở Hà Nội cho biết trong ngày Chủ Nhật 7/5, các tàu của Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm ít nhất hai lần trong khu vực cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.

Tranh chấp nổ ra từ thứ bảy tuần trước khi Cơ quan An toàn hảng hải Trung Quốc tuyên bố rằng giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ tiến hành khoan thăm dò tại Biển Đông. Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc tuyên bố cấm các tàu bè không liên quan đi vào khu vực xung quanh giàn khoan.

Không ngạc nhiên rằng hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Việt Nam. Hà Nội đã phái các tàu ra ngăn chặn Trung Quốc cố định giàn khoan tại vùng biển của mình. Trung Quốc cũng phái đi 40 tàu (được cho là gồm cả các tàu quân sự) để bảo vệ giàn khoan. Từ đây đụng độ đã nảy sinh và tình hình bế tắc.

Liên quan đến vụ việc này, có ít nhất ba vấn đề cần phải được nghiên cứu, xem xét:

Thứ nhất, tình trạng bế tắc này có thể sẽ kéo dài vài tháng (hoặc lâu hơn). Blog Banyan thuộc tạp chí The Economist đã bình luận rằng vụ việc này nghiêm trọng hơn những lần va chạm trước đó liên quan đến tàu thăm dò và tàu cá.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được cho là thực sự tiến hành thăm dò dầu khí tại khu vực biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Không giống những tàu cá và tàu thăm dò, giàn khoan của Trung Quốc (có thể di động được) dự kiến được đặt cố định tại khu vực này trong thời gian dài. Trên thực tế, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc tuyên bố việc thăm dò sẽ diễn ra đến ngày 15/8.

Nếu CNOOC cố định được giàn khoan hiện nay, thì những tuyên bố của Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc sẽ làm giảm khả năng giàn khoan được dời đi trước ngày đó. Bây giờ, nếu Trung Quốc dời giàn khoan ra vị trí khác coi như thực hiện xong hoạt động thăm dò thì điều này sẽ được nhìn nhận là hành động “giữ thể diện” cho Trung Quốc. Dĩ nhiên không thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ làm như vậy vào thời điểm này.

Từ quan điểm của Việt Nam, sẽ có hai tình huống xảy ra trong ngắn hạn: CNOOC có hay không đặt cố định giàn khoan hàng tỷ USD của họ ở khu vực biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Việc tháo dỡ giàn khoan vào tháng Tám sẽ ít có khả năng làm an lòng Hà Nội, nhưng cũng chẳng có cách nào đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không tái bố trí giàn khoan ở một địa điểm khác.

Thứ hai, mặc dù có sự tình cờ kỳ lạ trong việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này ngay sau chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng điều đó không nhất thiết phải liên quan đến nhau.

Chuyến thăm của ông Obama không bao gồm chặng dừng chân tại Hà Nội, nhưng các nước mà ông Obama thực sự tới thăm thì lại không bị Trung Quốc gây sự như vậy. Việc Nga và Trung Quốc cùng tổ chức tập trận tại biển Hoa Đông có thể được coi là phản ứng đối với chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga-Trung đã chuyển biến tích cực trước và sau chuyến thăm này.

Vấn đề cuối cùng là, CNOOC vẫn có “bề dày lịch sử” gắn các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông với các hoạt động khai thác dầu khí của mình. Các tập đoàn quốc doanh lớn như CNOOC là một nhân tố quyền lực ở Bắc Kinh, và CNOOC có thể là một trong những động lực thúc đẩy việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông.

CNOOC có truyền thống tham gia vào các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2012, công ty đã mời thầu các đối tác nước ngoài 8 lô dầu khí tại khu vực hoàn toàn thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. CNOOC cũng đưa ra dự báo khả quan về trữ lượng khí hydro tại Biển Đông.

Một giả thuyết nữa là việc CNOOC đưa giàn khoan ra nhằm có được các chính sách thuận lợi và sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ Trung Quốc đối với các hoạt động xây dựng giàn khoan dầu khí ở vùng nước sâu như Hải Dương-981.

Được bắt đầu xây dựng từ năm 2012, giàn khoan Hải Dương-981 giúp CNOOC tăng cường năng lực thăm dò dầu khí ở độ sâu 3.000m, mở rộng ra một phạm vi lớn hơn trên Biển Đông mà không phụ thuộc nước ngoài. Chủ tịch Wang Yilin đã phát biểu rằng “Giàn khoan nước sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược cho việc thúc đẩy nền công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục