Bản cập nhật Chiến lược quốc phòng năm 2020 thể hiện cam kết đáng chú ý của chính phủ Australia về việc duy trì tăng trưởng ngân sách quốc phòng.
Được công bố ngày 1/7 sau nhiều tháng tình hình kinh tế của đất nước đi xuống do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do các biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng dịch bệnh đối với nền kinh tế, bản cập nhật khẳng định đường hướng tài trợ mạnh mẽ đã được đưa ra trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 và bổ sung hơn nữa trong vòng 4 năm tới.
Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục tăng trên 2% GDP và trên thực tế tăng cao hơn so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo kế hoạch, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng trưởng đáng kể, lên tới 87,4% trong thập kỷ tới.
Dưới đây là bài phân tích của tác giả Marcus Hellyer đăng trên trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đánh giá về chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới của Australia trong bối cảnh dịch bệnh.
[Australia tăng chi tiêu quốc phòng lên 200 tỷ USD trong thập kỷ tới]
Tại sao chính phủ hướng tới thực hiện cam kết đó? Bản cập nhật chiến lược quốc phòng cho thấy rõ ràng rằng chính phủ Canberra rất quan tâm đến các tình hình chiến lược của Australia, điều mà chính phủ đánh giá là đã xấu đi đáng kể trong 4 năm qua kể từ khi Sách Trắng quốc phòng năm 2016 được hoàn thiện.
Tình hình khu vực đang ở giữa quá trình tái cơ cấu chiến lược với những hậu quả khó lường nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều đó mang lại tình trạng bất ổn và rủi ro đáng kể.
Bản cập nhật năm 2020 đánh dấu bước đột phá rõ ràng so với các tuyên bố chiến lược cấp cao trước đó theo cách mô tả thẳng thắn các rủi ro và các khả năng mới cần thiết để giải quyết những rủi ro.
Bản cập nhật cũng hướng tới việc thực hiện một số điều chỉnh chính đối với sự sắp đặt chính sách chiến lược.
Một trong những sự điều chỉnh chính sách đó là một tuyên bố khẳng định rằng một lực lượng phòng thủ tập trung sẽ không thể ngăn cản một cuộc tấn công.
Thay vào đó, cần có “các năng lực mới để ngăn chặn” việc các lực lượng thù địch từ xa và ngăn chặn không để cơ sở hạ tầng bị tấn công từ xa.
Các năng lực này bao gồm vũ khí tấn công tầm xa hơn, các biện pháp trên không gian mạng và hệ thống chống xâm nhập khu vực.
Tuyên bố chính sách đó cũng thừa nhận rằng Australia hiện không có thể dựa vào thời gian cảnh báo, ngay cả đối với một cuộc tấn công quân sự thông thường trên đất liền và do đó sẽ không có thời gian để 'điều chỉnh dần dần' khả năng quân sự.
Để có được những năng lực mới, sự tăng trưởng trong mô hình tài trợ trong bản cập nhật năm 2020 sẽ tiếp tục thực hiện mô hình của Sách trắng quốc phòng năm 2016. Điều đó có nghĩa là thành phần cơ bản của ngân sách hỗ trợ quốc phòng tăng lên 40% so với tổng ngân sách.
Vào cuối thập kỷ này, nếu mức tăng theo kế hoạch đó đạt được, thì thành phần thu được của ngân sách tài trợ quốc phòng sẽ tăng đến 148%.
Bất chấp sự không chắc chắn về kinh tế và ngân sách ngày một lớn hơn, song điều được đề cập ở trên có nghĩa là Bộ Quốc phòng Australia đang ở vị thế thuận lợi khi có thể bổ sung một số khả năng mới đáng kể vào danh sách mua sắm trang bị.
Có lẽ, điểm đáng chú ý nhất của kế hoạch cơ cấu lực lượng mới là Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) đã bước vào thời đại của tên lửa ở mức độ cao hơn bình thường. ADF có khả năng sẽ đầu tư 100 tỷ AUD (khoảng 71 tỷ USD) trong hai thập kỷ tới vào tên lửa và vũ khí dẫn đường.
Các hệ thống vũ khí này bao gồm các hệ thống tấn công cần thiết để ngăn chặn và đánh bại kẻ thù từ khoảng cách xa hơn, chẳng hạn như vũ khí siêu thanh.
Mặc dù không đi vào chi tiết, song kế hoạch cấu trúc lực lượng đã dựng lên một bức tranh tổng thể khá rõ ràng. Đó là việc ADF tiếp tục kiên định lộ trình cải thiện năng lực và phát triển năng lực chiến lược lớn hơn. Tuy nhiên, có những rủi ro cả trong việc lập kế hoạch và thực hiện nó vốn cần phải được quản lý chặt chẽ.
Nhóm rủi ro đầu tiên liên quan đến câu hỏi liệu ADF có phải là lực lượng phù hợp cho các bối cảnh ngày càng trở nên phức tạp hơn của Australia hay không.
Mặc dù thừa nhận rằng Australia không thể dựa vào thời gian cảnh báo, nhưng phần lớn lực lượng được lên kế hoạch vẫn chưa thể thành lập được "một sớm một chiều."
Hầu hết các khoản chu cấp quốc phòng lớn dành cho các hệ thống tự hành không người lái vẫn phải đợi đến những năm cuối của thập kỷ tới hoặc thậm chí vào những năm 2030.
Từ nay cho đến lúc đó, có vẻ như Bộ Quốc phòng đang dựa vào các hệ thống vũ khí cải tiến từ các nền tảng hiện có để nâng cao năng lực chính cho quân đội Australia.
Ngoài ra, lực lượng được lên kế hoạch này cũng đang ngày càng phát triển ở bên ngoài. Có nhiều năng lực mới trong kế hoạch, nhưng hầu như không có tính năng nào bị loại bỏ hoặc hủy bỏ.
Tương tự, phạm vi nhiệm vụ mà lực lượng này được yêu cầu thực hiện sẽ không bị cắt giảm.
Trên thực tế, bản cập nhật đòi hỏi sự can dự khu vực ở cấp độ lớn hơn cũng như năng lực lớn hơn để ứng phó với thiên tai trong nước. Nhưng liệu ADF có thể thực hiện được tất cả các nhiệm vụ như mong đợi đối với họ hay không?
Liên quan đến điều này, môi trường chiến lược đang thay đổi của Australia dường như đang kéo ADF theo hai hướng.
Bản cập nhật cho rằng Australia không thể đối đầu với các đối thủ có sức mạnh lớn và cần phát triển các khả năng ngăn chặn thông qua các hệ thống tấn công, mạng và hệ thống chấm xâm nhập khu vực.
Điều này cho thấy sự thừa nhận ngày càng lớn về nhu cầu đối với các khái niệm và khả năng hoạt động không đối xứng, mặc dù ADF vẫn chủ yếu được xây dựng dựa trên các khả năng truyền thống và thông thường như các nền tảng hệ thống vũ khí có giá thành cao, đa nhiệm và cần người điều khiển.
Ngoài ra còn có câu hỏi về sự cân bằng giữa mua sắm, duy trì và tài trợ nhân sự. Phần ngân sách quốc phòng dành cho mua sắm khí tài đang tăng lên nhanh chóng.
Chi tiêu cho nhân sự cũng đang tăng lên song chậm hơn và sẽ giảm theo tỷ lệ phần trăm của ngân sách tổng thể.
Chắc chắn, việc tăng chi tiêu vốn là cần thiết, song sự cân bằng giữa tỷ lệ mua sắm 40%/hỗ trợ nhân sự 26% có khả thi trong dài hạn hay không? Sẽ không có ý nghĩa gì nếu mua sắm thiết bị mà không có nhân sự có năng lực vận hành thiết bị đó.
Sau đó, tồn tại một loạt rủi ro liên quan đến tính khả thi của việc phân phối. Đầu tiên là vấn đề tiền. Tương lai kinh tế của cả Australia và thế giới vẫn còn rất bất định.
Nếu tác động kinh tế của COVID-19 dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài, thì cần phải có quyết tâm lâu dài và bền vững và các chính phủ tương lai của Australia cần duy trì tăng cấp vốn quốc phòng trong thập kỷ tới.
Nếu quyết tâm đó bị lung lay và một chính phủ mới đưa ra quyết định đưa ngân sách quốc phòng trở lại mức 2% GDP thì điều đó sẽ khiến ngân sách quốc phòng bị suy giảm mạnh mẽ, có thể lên tới 5-10 tỷ AUD mỗi năm (3,5-7 tỷ USD).
Cũng có một câu hỏi rất khó khăn về khả năng chi trả của ADF. Ngân sách quốc phòng đang tăng lên đáng kể, cũng như danh sách các năng lực mà Bộ Quốc phòng sẽ đạt được và duy trì cũng tăng lên.
Hơn nữa, chi phí mua sắm nhằm nâng cao năng lực quốc phòng tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát.
Kể từ năm 2016, chi phí mua sắm một số năng lực chính đã tăng đáng kể. Chi phí duy trì của các năng lực quan trọng trong tương lai có thể lớn hơn nhiều lần so với các hệ thống đang được thay thế.
Một trong những rủi ro lớn nhất trong quá trình triển khai liên quan đến khả năng của lĩnh vực quốc phòng Australia có thể mở rộng quy mô để cung cấp khí tài cho ADF. Mức chi tiêu mua sắm quốc phòng trong nước luôn dao động ở khoảng 1/3 tổng chi phí quốc phòng.
Năm 2019, con số đó là khoảng 2,6 tỷ AUD (1,9 tỷ USD). Khi ngân sách vốn tăng nhanh trong thập kỷ tới, thì chi tiêu mua khí tài từ các nhà sản xuất trong nước sẽ tăng lên hơn 7 tỷ AUD mỗi năm (4,9 tỷ USD) để duy trì mức 1/3 chi phí nói trên.
Rõ ràng là chính phủ còn muốn tỷ lệ đó tăng lên. Điều đó có thể xảy ra nếu Australia giải quyết các rủi ro chuỗi cung ứng hiện có trong năng lực phòng thủ. Việc đạt được mức chi phí từ 40-50% có nghĩa là chi tiêu mua sắm từ các nhà sản xuất trong nước cần đạt khoảng 10 tỷ AUD mỗi năm (7,1 tỷ USD).
Mặc dù các nền tảng cơ bản trong tuyên bố chính sách công nghiệp quốc phòng năm 2016 của chính phủ là đúng đắn song chính phủ có thể sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để phát triển hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng trong nước để có thể cung cấp năng lực chủ quyền được mô tả trong bản cập nhập chiến lược quốc phòng và kế hoạch tái cấu trúc lực lượng năm 2020.
Rủi ro khác liên quan đến chính sách công nghiệp là những chính sách cũ đang rơi vào bẫy quan tâm đến hiệu quả của ngành công nghiệp hơn là năng lực quân sự. Rủi ro đó đã được nhận ra.
Một số chi phí tiềm ẩn đối với các chương trình xây dựng liên tục đang ngày càng được thể hiện rõ hơn: kế hoạch năm 2020 chỉ rõ sự gia tăng chi phí trong tương lai đối với các chương trình tàu khu trục là do chính phủ phân bổ “kinh phí bổ sung để cho phép đóng tàu một cách cẩn trọng trong một thời gian dài hơn là kế hoạch ban đầu để thực hiện được một chương trình đóng tàu liên tục.”
Điều này có nghĩa là Australia sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để tăng cường năng lực ở khía cạnh này trong tương lai.
Bản cập nhật năm 2020 thừa nhận rằng Australia không còn có thể dựa vào thời gian cảnh báo để có thể điều chỉnh dần khả năng quân sự, vì vậy chắc chắn bây giờ là lúc Australia cần chi tiêu để đẩy nhanh quá trình phân phối và cân đối tỷ lệ trong việc “điều chỉnh năng lực” chứ không phải làm chậm lại.
Nếu Australia sẵn sàng chi trả nhiều hơn, thì Australia cần phải chi sớm hơn để tăng cường năng lực quân sự nhiều hơn. Tại sao Australia lại ưu tiên việc làm cho các thế hệ lao động đóng tàu trong tương lai hơn là năng lực cho các lao động dịch vụ hiện tại, những người vốn có thể được huy động để điều khiển tàu trong tương lai gần?./.