Chuyên gia: Đề xuất các giải pháp "xoá sổ" tín dụng đen

Các đại biểu cho rằng để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các đại biểu tham dự tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân luôn có, song trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân ảnh hưởng khiến dư nợ tín dụng tiêu dùng giảm, thì tình trạng "bùng nợ" có xu hướng gia tăng khiến nợ xấu cũng tăng theo.

Núp bóng công ty luật cho vay tín dụng đen

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tá Lê Vinh Tùng - Phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công an cho hay tội phạm tín dụng đen được thể hiện với ba phương thức. Thứ nhất là tội phạm tín dụng đen truyền thống như quảng cáo cho vay dán ở cột điện, ở tường, trên phố.

Thứ hai là tội phạm tín dụng đen truyền thống kết hợp công nghệ, với các thủ đoạn thành lập các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoặc biến tướng, các doanh nghiệp kinh doanh tài chính. Sau đó, chúng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay.

Đặc biệt, gần đây đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Thứ ba là tội phạm tín dụng đen sử dụng thủ đoạn công nghệ cao hoàn toàn. Đối tượng hoạt động qua mạng xã hội hoặc tạo lập các app giả, nhái của ngân hàng, tổ chức tín dụng để dụ dỗ, mời chào vay tiền. Chúng yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, sau đó nhắn tin, đe dọa, đòi nợ. Thậm chí các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

Ông Tùng cho biết thêm qua đấu tranh triệt phá tội phạm tín dụng đen, cơ quan công an phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính. Các đối tượng này tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng lên đến trên 1.000%/năm.

Điển hình Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hà Nội bắt, xử lý hàng ngàn đối tượng thành lập ra các công ty luật nhưng thực chất là đi đòi nợ.

Từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ.

Screenshot 2023-11-30 183547.png
Thượng tá Lê Vinh Tùng, phó Phòng trọng án Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, phát biểu tại hội thảo Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối quản trị rủi ro Công ty tài chính FE Credit cũng cho biết việc thu hồi nợ vô cùng khó khăn, thậm chí có trường hợp khách vay không trả nợ mà còn hành hung lại nhân viên của công ty.

Cũng theo ông Marcin Figlus, sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, FE Credit đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ… từ đó kích cầu nhu cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn với kỳ vọng và dự báo, trong khi mặt bằng lạm phát và lãi suất leo thang, tăng trưởng kinh doanh của FE Credit theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm từ đầu năm 2023 đến nay.

Làm thế nào để để xóa sổ tín dụng đen?

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) kiến nghị cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ.

Các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng.

Để ngăn chặn làn sóng bùng nợ đang có dấu hiệu lan nhanh như hiện nay, ông Marcin Figlus cho rằng ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành luật của những người vay, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ.

Đặc biệt, cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.

20230829103534-26t1.jpg
Quảng cáo cho vay tiêu dùng dán đầy trên đường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen bùng phát, Thượng tá Tùng cho rằng các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền phòng ngừa tín dụng đen đồng thời tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc phát hiện, xóa, bóc gỡ, tháo dỡ tờ rơi, biển quảng cáo liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế cho người dân gặp khó khăn; phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi, an toàn.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan, trọng tâm là ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cở sở dữ liệu của các bộ, ngành để quản lý nhà nước.

Trước mắt, các cơ quan này cần hoàn tất việc xác thực, làm sạch và loại bỏ sim "rác," tài khoản ngân hàng "ảo"; xác thực thông tin các tài khoản trên không gian mạng; đặc biệt thúc đẩy gói vay tín chấp qua dữ liệu dân cư để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vay vốn chính thống.

Thượng tá Tùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng đen; tăng cường quản lý nhà nước trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm để xử lý nghiêm.

Cuối cùng, ông Tùng kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự (tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính phù hợp với các loại tội phạm tương tự, giảm mức lãi suất cấu thành tội phạm từ gấp 5 lần xuống gấp 3 lần lãi suất quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục