Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - vốn được coi là bản “Hiến pháp của đại dương," đã đặt ra chế độ luật pháp và trật tự toàn diện tại các đại dương và vùng biển trên thế giới, đồng thời thiết lập quy tắc quản lý mọi hoạt động sử dụng đại dương và tài nguyên biển.
Bởi vậy, việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, có ý nghĩa quan trọng.
Đây là khẳng định được ông Veeramalla Anjaiah, nhà báo cao cấp và hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của Indonesia, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta nhân 40 năm UNCLOS 1982 chính thức ký kết (10/12/1982) và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký DOC (4/11/2002).
[Chuyên gia Nga và Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS 1982]
Theo ông Anjaiah, trải qua 40 năm, UNCLOS 1982 đã chứng minh là một văn kiện quan trọng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hàng hải quốc tế.
Văn kiện đã được áp dụng rộng rãi nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải giữa các quốc gia trên toàn cầu.
Kể từ khi được mở ký, đến nay đã có 168 thành viên phê chuẩn văn kiện - vốn được thiết lập để xác định ranh giới ven biển và hàng hải, điều chỉnh hoạt động thăm dò đáy biển không nằm trong các yêu sách lãnh thổ và phân phối nguồn thu từ hoạt động thăm dò theo quy định.
Đánh giá về ý nghĩa và vai trò của DOC trong việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực, ông Anjaiah nhấn mạnh đây là văn kiện chính trị đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đề cập đến vấn đề Biển Đông ở cấp khu vực.
DOC thể hiện rõ hai mục đích là thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và tham gia vào hợp tác hàng hải thiết thực.
Trên thực tế, việc tất cả các bên thực hiện đầy đủ DOC có thể tạo ra một Biển Đông hòa bình và ổn định cho tới khi COC được ký kết./.