Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là tại thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra những trận mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng.
Trong điều kiện khí hậu được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, ông Norihide Tamoto - chuyên gia JICA (cố vấn chính sách thoát nước tại Bộ Xây dựng) nhấn mạnh các giải pháp "mềm" bắt đầu từ chính sách để ứng phó ngập úng đô thị tại các thành phố lớn là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Theo ông Norihide Tamoto, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với lượng mưa có xu hướng tăng mạnh. Do vậy, Việt Nam có thể tham khảo chính sách của Nhật Bản để đưa ra những giải pháp phòng chống và ứng phó kịp thời tránh ngập úng đô thị.
Giải pháp lâu dài cho phòng, chống ngập úng đô thị
Hiện các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.
Ông Norihide Tamoto cho hay tại Nhật Bản, việc phát triển hệ thống thoát nước ban đầu tập trung vào việc tiêu thoát nước mưa trong thành phố một cách nhanh chóng. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng điều kiện vệ sinh xuống cấp do nước mưa đọng lại lâu ngày trong thành phố. Vì vậy, tại Nhật Bản, các dự án xây dựng công trình thoát nước, xử lý nước thải trong đó có thoát nước mưa thuộc trách nhiệm của Chính phủ (bao gồm cả chính quyền địa phương) thay vì thuộc trách nhiệm của khu vực tư nhân.
“Chính quyền địa phương sở hữu và quản lý cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải và chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của các cơ sở hạ tầng đó,” ông Tamoto nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của JICA cũng lưu ý để đảm bảo công tác phòng chống và ứng phó kịp thời tránh ngập úng đô thị, thì việc đầu tiên là chính quyền các địa phương cần phải bảo đảm nguồn tài chính và thiết lập nguyên tắc kế toán.
“Tại Nhật Bản, kinh phí phục vụ thoát nước mưa về cơ bản được chi trả bằng thuế. Vì vậy, nhu cầu hạ tầng thoát nước mưa ở Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn. Đã đến lúc Việt Nam cần trao đổi làm thế nào để có được nguồn kinh phí để triển khai hạ tầng thoát nước đồng bộ,” ông Norihide Tamoto chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Norihide Tamoto, Việt Nam cần đảm bảo việc quy hoạch và mục tiêu cho thoát nước mưa. Theo luật quy hoạch hiện hành của Việt Nam, các tỉnh thành phố không trực thuộc Trung ương không được phép lập quy hoạch thoát nước chuyên ngành, nhưng để thực hiện thoát nước mưa, mỗi tỉnh, thành phố cần phải có quy hoạch thoát nước riêng.
“Ví dụ nếu theo Luật Thoát nước Nhật Bản thì các tỉnh, thành phố địa phương ở Việt Nam có thể cũng cần có Quy hoạch thoát nước tổng thể dài hạn hoặc kế hoạch thực hiện trung hạn. Hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành hoặc sửa đổi các luật và quy định làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch,” ông Norihide Tamoto nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia của JICA cũng khuyến nghị Việt Nam cần thành lập các hội đồng liên quan đến thoát nước đô thị để các bên liên quan có thể thông qua đó trao đổi ý kiến và thống nhất các biện pháp ứng phó thiệt hại do ngập úng. Ví dụ ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể là cơ quan tốt nhất để đảm nhận vai trò hội đồng này.
Giải pháp tiếp theo là cần quản lý hạ tầng hiệu quả.
Theo ông Norihide Tamoto, cơ sở hạ tầng là nền tảng được sử dụng trong thời gian dài nên phải được quy hoạch, xây dựng và quản lý với tầm nhìn dài hạn. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng./.