Chuyên gia: Kinh tế Đức được dự báo không rơi vào suy thoái

Chuyên gia kinh tế thuộc Viện Ifo, nhận định: “Suy thoái kinh tế trong mùa Đông có thể ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu là do sức mua giảm ít hơn dự báo nhờ giá năng lượng giảm đáng kể."
Chuyên gia: Kinh tế Đức được dự báo không rơi vào suy thoái ảnh 1Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đức có thể tránh được một cuộc suy thoái đáng lo ngại trong năm 2023, nhưng lạm phát sẽ vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo công bố ngày 5/4 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo), Viện Kinh tế Thế giới (Kiel), Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle và Viện Nghiên cứu Kinh tế RWI Leibniz cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đạt tăng trưởng 0,3% trong năm nay, do tránh được cuộc suy thoái trước đó dự đoán xảy ra vào mùa Thu năm ngoái.

Tuy nhiên, theo 4 viện kinh tế hàng đầu trên của Đức lạm phát trung bình chỉ giảm nhẹ từ 6,9% trong năm 2022 xuống 6% trong năm 2023.

Dự báo trên lạc quan hơn so với con số Chính phủ Đức đưa ra trước đó, theo đó nâng dự báo tăng trưởng lên 0,2% sau khi cũng dự đoán suy thoái kinh tế có thể xảy ra do giá năng lượng và lương thực phi mã sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm 2022.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Timo Wollmershauser thuộc Viện Ifo, nhận định: “Suy thoái kinh tế trong mùa Đông (kéo dài từ cuối năm 2022 sang 2023) có thể ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu là do sức mua giảm ít hơn dự báo nhờ giá năng lượng giảm đáng kể.”

Gói cứu trợ của chính phủ trị giá 200 tỷ euro (khoảng 218,9 tỷ USD), nhằm hạn chế giá khí đốt và điện, cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế tốt hơn mong đợi.

Cùng với yếu tố này, lợi thế thời tiết tương đối ôn hoà trong mùa Đông cũng như nỗ lực của Đức nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cũng phát huy tác dụng.

[Kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023]

Nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu cũng được hưởng lợi từ việc nới lỏng các vấn đề về chuỗi cung ứng và việc Trung Quốc dần dần dỡ bỏ các hạn chế được áp đặt trong đại dịch COVID-19.

Các nhà quan sát dự đoán tăng trưởng mạnh mẽ hơn có thể trở lại vào năm 2024, với mức dự báo 1,5%. Tuy nhiên, các cơ quan trên cho biết vẫn còn nhiều điều không chắc chắn và cảnh báo không nên quá lạc quan.

Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của Ngân hàng ING cảnh báo: “Sự trì trệ được dự báo của nền kinh tế Mỹ, hậu quả từ những bất ổn thị trường tài chính gần đây và tác động lớn hơn của việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn có thể làm hỏng thành quả.”

Tuy nhiên, Cơ quan thống kê Đức (Destatis), cũng đưa ra dự báo tốt về kinh tế trong tháng 4/2023, ghi nhận số đơn đặt hàng mới của các nhà máy trong tháng 3/2022 tăng 4,8% so với tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục