Chuyên gia kinh tế: Phải nhìn rộng hơn câu chuyện về xuất khẩu gạo

Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, các quốc gia xuất khẩu gạo không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của người dân nước mình mà còn giữ vai trò đối với thị trường gạo toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế: Phải nhìn rộng hơn câu chuyện về xuất khẩu gạo ảnh 1Giá gạo Việt Nam đang giữ vị thế cao trên thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 30/8, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định quanh mức 628-643 USD/tấn. Việc giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt vì nhu cầu thực từ thị trường thế giới lớn.

Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa liên tục tăng thời gian qua khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá cao mới có thể chốt được hợp đồng xuất khẩu mà không bị thua lỗ.

Trao đổi với báo chí, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng cần có góc nhìn rộng hơn, sâu hơn về câu chuyện xuất khẩu gạo, khi mặt hàng này gắn với vấn đề thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, cũng như đảm bảo an ninh lương thực trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định

- Ông đánh giá như thế nào về những biến động trên thị trường gạo hiện nay cũng như hài hòa giữa việc thúc đẩy xuất khẩu và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và còn xuất khẩu được thì không nhiều và Việt Nam là một trong số các quốc gia đó.

Theo tôi, những quốc gia này, không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của đời sống người dân nước mình, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn hơn thế, ý nghĩa hơn thế đối với thị trường gạo toàn cầu.

Đầu những năm 2000, khối ASEAN+3 từng nhất trí lập ra một cơ chế dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3 (APTERR) để cứu trợ lương thực một cách nhanh chóng cho các nước thành viên bị thiên tai tàn phá nặng nề. Mới đây nhất, tại Hội nghị ASEAN hồi tháng 7, Indonesia tiếp tục đề xuất rằng cần đưa ra những cam kết mới nhằm tăng cường cơ chế này. Song, cơ chế này dường như chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa thể hiện được vai trò rõ ràng.

Do đó, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.

[Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ vững vị trí cao nhất thế giới]

Cần nhìn nhận, đây không còn chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, vấn đề kinh doanh có lãi của thương lái, của doanh nghiệp hay điều hành đảm bảo an ninh lương thực của cơ quan quản lý Nhà nước. Câu chuyện về gạo lớn hơn là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần hay thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia.

Chuyên gia kinh tế: Phải nhìn rộng hơn câu chuyện về xuất khẩu gạo ảnh 2Giá gạo trong nước thời điểm này có nhích lên song về cơ bản vẫn ổn định. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhiều bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng cơ quan chức năng đang nỗ lực hài hòa lợi ích các bên, một mặt đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt. Đây là hướng đi đúng, hợp lý.

Giữ mối liên kết dài hạn với các đối tác

- Hiện nay giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang có nhiều ưu thế, nhưng đâu đó doanh nghiệp còn khó khăn trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng. Theo ông, cần có giải pháp nào để giải quyết việc này?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Đi vào câu chuyện hiện tại, giá gạo đang tăng mạnh, ẩn chứa đằng sau là hai lý do chính. Đầu tiên là xung đột địa chính trị, làm cho nguồn cung lương thực và các loại nguyên vật liệu đầu vào (cho sản xuất lương thực) bị hạn chế, gián đoạn.

Tiếp đến là thời tiết cực đoan, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, nguy cơ giảm sản lượng lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng là hiện hữu, vậy nên các quốc gia đang lo lắng cho nguồn cung phục vụ nhu cầu nội địa. Cùng đó là việc một nhóm ít nước ngừng xuất khẩu như Ấn Độ, UAE,… khiến áp lực nguồn cung lại càng lớn.

Đối với cung ứng nội địa, việc đảm bảo an ninh lương thực cần hiểu đúng theo hai nghĩa, đó là đảm bảo có đủ và đảm bảo tiếp cận được.

Theo tôi, đảm bảo có đủ, tức là phải đảm bảo nguồn cung cho người dân, dự trữ ổn định. Để làm được điều này, việc đảm bảo nguồn cung này cần tính toán kỹ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường, xét đến bối cảnh khó đoán định thời gian tới. Đảm bảo tiếp cận được, tức người dân phải mua được, với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Với các doanh nghiệp, theo ông cần có giải pháp gì để tận dụng các cơ hội xuất khẩu cũng như thực hiện được các giải pháp đảm bảo công tác bình ổn thị trường?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Thực tế, việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết.

Mới đây, Bộ Công Thương có công văn gửi các đơn vị, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước theo tôi là một giải pháp rất nhanh nhạy trong điều hành.

Các địa phương trên cả nước cũng đang quán triệt công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng gạo rất chặt chẽ. Về cơ bản, giá trong nước ở thời điểm này tất nhiên có tăng, nhưng vẫn ổn định.

Đối với doanh nghiệp, vấn đề của thị trường gạo hiện nay là vấn đề thời điểm. Thời điểm đàm phán, thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm thu mua từ người nông dân… có độ vênh về giá, bởi giá gạo thay đổi từng ngày và bên nào cũng muốn hưởng lợi lớn nhất trong kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế: Phải nhìn rộng hơn câu chuyện về xuất khẩu gạo ảnh 3Trong tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy vậy, để giải quyết bài toán đảm bảo hợp đồng mà các doanh nghiệp đang đối diện, tôi cho rằng cần tăng cường tính linh hoạt trong việc ký kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường.

Mặt khác, đối với người nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu hãy tính đến chuyện đường dài, đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua nắm chắc mối liên kết dài hạn với các đối tác.

- Xin cảm ơn ông!

Trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.

Trước bối cảnh đó, để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả, ngày 15/8/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục