Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp tích cực trong phòng chống tác hại thuốc lá song chưa đạt được mục tiêu giảm 30% tỷ lệ người hút thuốc vào năm 2030.
Một trong những thách thức lớn nhất đó là giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam, thu nhập tăng lên nhưng giá một bao thuốc hầu như vẫn được giữ nguyên. Do đó, các chuyên gia cho rằng đây là điều Việt Nam cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đặt ra.
Xung quanh những đề xuất về tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam, Thạc sỹ-bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí để mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, lần này, thuốc lá điếu được đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% giá xuất xưởng và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ 2026-2030 với 2 phương án. Ông đánh giá như thế nào về những đề xuất trên của Bộ Tài chính?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: WHO đánh giá rất cao đề xuất Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế thuốc lá, với lộ trình đến năm 2030.
WHO: Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại thuốc lá
Tiến sỹ Angela Pratt nhấn mạnh Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Cụ thể, với phương án 1: Năm 2026 bổ sung thuế tuyệt đối là 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027-2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026 bổ sung mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối tăng lên 10.000 đồng/bao.
Với phương án 2, mức bắt đầu tăng thuế là 5.000 bao thuế tuyệt đối. So phương án 1 là bắt đầu từ mức 2.000 đồng/bao thuốc lá. WHO đánh giá phương án 2 tốt hơn, sẽ có tác động giảm tỷ lệ thuốc lá nhanh hơn và hiệu quả hơn khi năm 2026 bắt đầu áp dụng.
Về tổng thể đến năm 2030, WHO đánh giá các phương án của Bộ Tài chính đưa ra sẽ giúp giảm được khoảng 2,5 triệu người hút thuốc. Bởi trong bối cảnh nếu như không có các biện pháp can thiệp tăng thuế thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ tăng lên và sẽ có thêm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc mới.
Theo tôi, đề xuất thuế thuốc lá của Bộ Tài chính đưa ra là vừa đủ để giữ cho số người hút thuốc không tăng, mặc dù tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm theo ước tính của WHO.
Theo mô hình mà chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xây dựng, đề xuất Bộ Tài chính sẽ giảm hút thuốc nam giới xuống còn khoảng 37,5%, gần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ người hút thuốc. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến nghị phương án cao hơn, đó là: Mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao, lên 15.000 đồng/bao (20 điếu) vào năm 2030, cộng với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp đạt được mục tiêu quốc gia giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới dưới 36% vào năm 2030.
- Tổ chức Y tế thế giới đánh giá như thế nào việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Với đề xuất về tăng thuế thuốc lá của WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới ở Việt Nam xuống còn khoảng 35,8% là tương đối đặt mục tiêu và sẽ giúp giảm khoảng 3,2 triệu người hút thuốc. Tuy nhiên nếu không có các phương án tác động, số người hút thuốc sẽ tăng thêm 2,5 triệu người. Phương án của WHO đề xuất có ý nghĩa rất lớn, ngoài việc giảm hút thuốc và giảm bệnh tật, tử vong do thuốc lá còn là lợi ích cho sức khỏe người dân.
Việc tăng thuế thuốc lá có lợi ích thứ hai giúp tăng nguồn thu thuế cho Chính phủ. Chúng tôi ước tính việc tăng thuế thuốc lá sẽ giúp tăng khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá vào năm 2030 và đây là một nguồn thu cũng tăng đáng kể.
Cả 2 phương án về tăng thuế thuốc lá của Bộ Tài chính đưa ra và phương án của WHO đều có tác động tích cực, nhằm bảo vệ cho sức khỏe người dân và thêm nguồn thu của Chính phủ.
- Nhiều ý kiến cho rằng với việc tăng thuế thuốc lá cao như vậy sẽ lo ngại về tình trạng buôn lậu thuốc lá. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Hiện nay thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp, thuế theo giá bán lẻ thì Việt Nam mới chỉ khoảng 38%, ở mức từ 36-38% là rất thấp so với chuẩn chung của thế giới (khoảng 60% của các quốc gia đang phát triển và 62% trung bình thế giới). WHO khuyến cáo thuế với mặt hàng thuốc lá phải chiếm khoảng 75% giá bán lẻ, mức thuế ở Việt Nam hiện quá quá thấp.
Tại Việt Nam, với các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đang đưa ra, dự kiến mức thuế cao hơn, giá bán lẻ sẽ tăng lên khoảng 59% so với giá bán lẻ. Khuyến cáo của WHO ước tính tăng mức thuế lên khoảng 65% giá bán lẻ - gần với mức tiếp cận với khuyến cáo tốt nhất của WHO. Với mức tăng như vậy có thể cao so với Việt Nam, nhưng so với thế giới không cao và cách đánh giá chúng tôi thì phương án của Bộ Tài chính mới ở mức duy trì số người hút thuốc không tăng nữa so với hiện nay. Như vậy đây là phương án tương đối tốt nhưng phương án của WHO sẽ giúp giảm số người hút thuốc được nhiều hơn.
Với vấn đề buôn lậu, các công ty thuốc lá luôn đưa ra luận điểm là tăng thuế, tăng buôn lậu nhưng với bối cảnh Việt Nam thì điều này không đúng. Việt Nam đang duy trì hàng rào thuế nhập khẩu tương đối cao ở mức 135%... Việc duy trì mức thuế nhập khẩu cao với mặt hàng này là cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo của Ban chỉ đạo 39, mức độ buôn lậu với mặt hàng thuốc lá đã giảm xuống. Báo cáo năm 2017 còn khoảng 13% so với năm 2010 là 20%. Điều đó cho thấy đây là xu hướng tốt. Tôi cũng mong rằng các quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, để con số này phải giảm xuống thấp hơn nữa.
Từ năm 2009 đến nay cả hai lần tăng thuế thuốc lá của Việt Nam vẫn ở mức quá thấp, do đó giá thuốc lá hiện nay quá rẻ, sau khi thu nhập và giá cả đều tăng. Cụ thể, tính từ năm 2010 đến năm 2022, thu nhập tính theo đầu người đã tăng hơn 300%, gấp hơn 3 lần, giá thuốc lá chỉ tăng khoảng hơn 50%. Người tiêu dùng dễ mua sản phẩm độc hại như thuốc lá mà giá rẻ, dễ mua là không tốt và không đúng.
- Thưa ông, hiện nay công bố mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam tử vong do thuốc lá gây ra, liệu số liệu này đã tăng chưa?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Chúng ta đang dùng con số có gần 40.000 ca tử vong mỗi năm do thuốc lá gây ra, thực ra đây là ước tính đã rất cũ (từ năm 2006). Con số này ước tính đến nay lên khoảng 70-80.000 ca tử vong. Tuy nhiên là chúng tôi vẫn đang tiến hành nghiên cứu, khi quá trình nghiên cứu mới hoàn tất sẽ công bố.
Với tử vong do thuốc lá chúng ta thấy mỗi một người tử vong sớm khi họ là lao động chính trong gia đình gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, vì bị mất thu nhập của gia đình và của xã hội. Những người đang trong tuổi lực lượng lao động mắc bệnh do thuốc lá gây ra như: bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp… và có thể sẽ bị mất sức lao động một phần hoặc tử vong sớm sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của hộ gia đình. Đặc biệt, một người bị mắc bệnh nằm viện thì nhiều người trong gia đình phải bố trí để chăm sóc tốn kém thêm.
Tôi cho rằng những tổn thất do thuốc lá gây ra là không đáng có. Bởi tất cả những tổn thương, những bệnh tật tử vong sớm do thuốc lá gây ra mọi người có thể phòng tránh được. Khi chúng ta áp dụng các chính sách tác động để làm giảm số người hút thuốc lá thì sẽ không mắc những bệnh tật tử vong sớm. Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới việc tăng thuế thuốc lá ở mức cao hơn sẽ làm giảm người hút thuốc, giảm bệnh tật và giảm tử vong sớm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.